Ngày 19/5/1845, thuyền trưởng John Franklin dẫn đầu tàu HMS Erebus và HMS Terror lên đường khám phá Hành lang Tây Bắc, tuyến đường đi qua Bắc Băng Dương nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Khởi đầu với đầy hy vọng, chuyến thám hiểm kết thúc bằng bi kịch khi hai con tàu mắc kẹt trong băng và toàn bộ 129 người thuộc thủy thủ đoàn không ai sống sót.
Trải qua thời gian, câu chuyện về chuyến thám hiểm Franklin được thêu dệt thành huyền thoại. Gần đây, giáo sư Russell Taichman từ Đại học Michigan (Mỹ) đã đưa ra các bằng chứng mới lý giải nguyên nhân khiến 129 người qua đời.
Trên tờ Arctic, giáo sư Taichman nhận định đoàn thám hiểm Franklin chết vì bệnh Addison, dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả và không sản xuất đủ hormone cần thiết.
"Trước đây, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh Addison là lao", giáo sư Taichman nói. Theo ông, bệnh nhân Addison gặp khó khăn trong việc điều hòa natri dẫn đến mất cân bằng chất lỏng. Họ lâm vào tình trạng thiếu nước, không thể duy trì cân nặng ngay cả khi đầy đủ thức ăn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh Addison là sụt cân, da và môi sậm màu, lợi đen.
Trên thực tế, ghi chép do các nhân chứng để lại cho thấy nhiều thủy thủ "gầy gò một cách đáng sợ với phần miệng khô, đen" dù hai con tàu chở theo khối lượng lớn thực phẩm. Một số nhà sử học lập luận ngộ độc chì, thiếu vitamin C cùng thời tiết giá lạnh là nguyên nhân dẫn đến cái chết của đoàn thám hiểm song giáo sư Taichman tin rằng thứ đánh gục họ chính là bệnh Addison. Đặc biệt, dấu hiệu bệnh lao được tìm thấy ở ít nhất 3 thủy thủ.
"Thiếu vitamin C và phơi nhiễm chì góp phần gây nên căn bệnh Addison", giáo sư Taichman nói. "Phát hiện này chính là bước tiến quan trọng để hiểu rõ hơn về một trong những bí ẩn lớn nhất công cuộc thám hiểm Bắc Cực".