Lần lên công tác tại Hà Giang, chúng tôi có dịp gặp hướng dẫn viên Hồ Trọng Tiến đang đi khảo sát để chuẩn bị làm tour trực tuyến giới thiệu về ẩm thực của đồng bào Mông tại Mèo Vạc. Đây là những nét văn hóa mà du khách Nhật Bản rất ưa thích.
Hướng dẫn viên Hồ Trọng Tiến đang khảo sát trước giới thiệu văn hóa dân tộc Mông tại làng du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. |
Anh Hồ Trọng Tiến vốn là hướng dẫn viên tiếng Nhật Bản của công ty du lịch Tân Đông Dương (TP Hồ Chí Minh). Dịch bệnh COVID-19 khiến công việc của anh Tiến bị xáo trộn, không còn những đoàn khách Nhật Bản hay các chuyến bay đưa du khách Việt Nam đến với "xứ sở mặt trời mọc". Nhưng nhờ giữ liên lạc với các đối tác tại Nhật Bản, anh Tiến biết rằng nhu cầu du lịch trực tuyến của người Nhật Bản vẫn rất lớn.
"Người Nhật Bản rất thích các điểm đến Việt Nam, nhất là những vùng đất xa xôi, hoang sơ ít được đặt chân đến như Hà Giang. Chính vì vậy, tôi cùng với công ty ở Nhật Bản tổ chức tour du lịch trực tuyến để phục vụ khách Nhật. Chương trình tour ngắn trực tuyến từ 45 phút, tour dài khoảng 90 phút, trung bình có khoảng 15 – 20 khách".
Kể về hành trình làm tour trực tuyến, anh Hồ Trọng Tiến chia sẻ: Từ tháng 2 năm 2020, Việt Nam đã tạm dừng đón khách quốc tế do dịch COVID-19. Tình trạng này khiến tôi thất nghiệp, đến tháng 5/2020, đối tác bên Nhật Bản liên lạc và thông tin khách Nhật Bản có nhu cầu “du lịch trực tuyến” tại các điểm du lịch Việt Nam. Tôi phải mất 2 tháng để test thiết bị, xây dựng nội dung.
Khung cảnh làng văn hóa dân tộc đang được HDV Hồ Trọng Tiến khảo sát. |
“Sau khi cùng đối tác nước ngoài kiểm tra chạy trên một số nền tảng mạng xã hội, tôi và đối tác thống nhất chọn Zoom. Tour trực tuyến đầu tiên tôi làm là về vườn hoa cây trái tại Tân Triều (Biên Hòa, Đồng Nai) và được khách Nhật Bản đánh giá cao và tôi triếp tục triển khai tại nhiều địa phương khác”, anh Tiến chia sẻ.
Về cách làm, anh Hồ Trọng Tiến cho biết công ty du lịch tại Nhật Bản là đầu mối để lập tour và sắp xếp người tham gia, còn anh có nhiệm vụ xây dựng các nội dung mới lạ để giới thiệu cho du khách. Nhiều khách hàng gửi yêu cầu nên anh Tiến phải đi tìm địa điểm để đáp ứng, trong đó khách Nhật Bản rất thích tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam,
“Tầm khoảng tháng 5, tôi thực hiện chương trình giới thiệu điểm đến Hà Nội – Hạ Long thì được thông tin tình hình dịch TP Hồ Chí Minh phức tạp nên không trở về nhà. Tôi đến vùng Tây Bắc và thực hiện tour du lịch trực tuyến ở một số địa phương, nhiều nhất là Hà Giang”, anh Tiến cho biết.
Làm tour trực tuyến khác với tour trực tiếp khá nhiều. "Một chương trình thực tế có thể đi cả ngày, khách vừa xem vừa nghỉ ngơi; còn trực tuyến thì tất cả nội dung, hình ảnh, cả không gian bao la chỉ gói gọn trong hơn 1 giờ. Thời gian nghỉ rất ngắn, chỉ vài chục giây tới 2-3 phút nên nhiều khi tôi phải chạy thật nhanh hoặc đi xe máy giữa các địa điểm để kịp thời gian.
Tour trực tiếp thì hướng dẫn viên có thể tùy cơ ứng biến hoặc để khách tự do tham quan. Nhưng tour trực tuyến phải xây dựng kịch bản, nội dung, đảm bảo chất lượng hình ảnh, nơi có sóng di động nên phải chuẩn bị nội dung và công bố trước cho khách. Đôi khi vào vùng núi hoặc trong hang mất kết nối internet thì phải chuẩn bị trước đoạn video để 'phát nguội' cho đỡ trống chương trình", anh Tiến chia sẻ.
Với nhiều khách hàng Nhật Bản, tour trực tuyến của anh Hồ Trọng Tiến giống như một thú vui giải trí mùa dịch, khi nhiều người không thể đi du lịch hoặc thậm chí không thể ra khỏi nhà. “Thông thường 1 tháng tôi làm 1 tour dài chuyên sâu (khoảng 90 phút) và 1 tour ngắn (khoảng 45 phút). Một chương trình chỉ khoảng 15 người xem để đảm bảo chất lượng hình ảnh. Giá tour khoảng 3.000 Yên đến 6.000 Yên (tương đương 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người)”, anh Tiến cho biết.
Các chương trình tour trực tuyến được đối tác Nhật Bản biên tập sử dụng quảng bá trên một số nền tảng xã hội nên rất được khách Nhật Bản quan tâm. Từ đó, chương trình của anh Hồ Trọng Tiến được được sự hỗ trợ từ đơn vị quảng bá du lịch Hà Giang, Tuyên Quang về phương tiện di chuyển, nơi ăn ở để xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Giang cho biết: Hà Giang xác định quảng bá, xúc tiến trên nền tảng mạng xã hội nhằm tăng tính lan tỏa về các nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Hà Giang. Đây sẽ là điều kiện để thu hút khách trở lại Hà Giang khi bước vào giai đoạn bình thường mới.
Còn hướng dẫn viên Hồ Trọng Tiến chia sẻ sẽ tiếp tục quảng bá cảnh đẹp, văn hóa, truyền thống đất nước Việt Nam tới khách Nhật Bản, để sau này khi dịch lắng xuống, mọi người đã biết về Việt Nam thì sẽ sang nhiều hơn. “Ngoài làm tour trực tuyến, tôi sẽ quảng bá trên nền tảng xã hội khác để khách biết nhiều đến các vùng đất, văn hóa của Việt Nam”, anh Tiến cho biết.