"Chúng tôi đang tóm tắt các báo cáo về tác động của thảm họa sóng thần xảy ra ở eo biển Sunda, đặc biệt là tại các thành phố Serang, Pandeglang và Nam Lampung", ông Sutopo Purwo Nugroho - phát ngôn viên của cơ quan thảm họa, phát biểu trên đài truyền hình Metro TV vào sáng Chủ nhật, cho biết vụ thảm họa này có liên quan tới sự phun trào của núi lửa Anak Krakatao.
Hàng trăm ngôi nhà đã bị hư hại sau thảm họa và hiện vẫn còn hai người mất tích, ông Nugroho nói.
Các báo cáo trước đó cho biết ít nhất 20 người đã thiệt mạng và 165 người bị thương, số người chết dự kiến sẽ còn tăng lên.
Các nhà chức trách cho biết cơn sóng thần có thể đã được "kích hoạt" do thủy triều dâng bất thường vào thời điểm trăng tròn, đi kèm với một trận lở đất dưới đáy biển sau vụ phun trào núi lửa Anak Krakatoa.
Hình ảnh cắt ra từ video ghi lại cảnh ngọn núi lửa Anak Krakatao phun trào nham thạch. Ảnh: CNA |
Anak Krakatoa là một hòn đảo núi lửa nhỏ nổi lên từ đại dương khoảng nửa thế kỷ sau vụ phun trào gây chết người vào năm 1883, hòn đảo này nằm tại eo biển Sunda, giữa hai đảo Sumamtra và Java.
Đây là một trong 127 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động chạy dọc theo chiều dài của quần đảo Indonesia.
Nhiếp ảnh gia Oystein Lund Andersen - nhân chứng vụ việc, cho biết ông đã chụp lại được hình ảnh ngọn núi lửa đang phun trào, ngay trước khi những con sóng khổng lồ đổ bộ vào bãi biển.
Sóng thần đổ bộ vào khu vực khách sạn của nhiếp ảnh gia Andersen. Ảnh: Facebook |
"Tôi đã phải chạy, khi sóng thần lướt qua bãi biển và đổ ập vào sâu trong đất liền 15-20m. Cơn sóng tiếp theo tràn vào khu vực khách sạn nơi tôi đang ở và cuốn trôi nhiều xe cộ xung quanh. Tôi đã được di tản cùng gia đình đến vùng đất cao hơn qua những con đường rừng và các ngôi làng, nơi chúng tôi được chăm sóc bởi người dân địa phương", du khách này thông báo trên Facebook.