Ngày 6/8, Giám đốc điều hành của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) Tauhid Ahmad cho biết tăng trưởng kinh tế dương trong quý II đồng nghĩa Indonesia đã thoát khỏi suy thoái, nhưng quý III có xu hướng giảm so với quý trước đó.
Nếu chính phủ thực hiện các hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 chỉ đến ngày 9/8 tới, có thể có cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng 4%. Tuy nhiên, nếu PPKM tiếp tục được gia hạn cho hết tháng 8 thì rất khó đạt được.
Ông Ahmad đưa ra các khuyến nghị. TCần ưu tiên xử lý đại dịch COVID-19, đặc biệt là việc theo dõi và cải thiện việc ngăn chặn các ca mắc COVID-19 mới. Việc tiêm vaccine là chìa khóa để giải quyết đại dịch, do vậy cần đẩy nhanh tiến độ trong quý IV để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng và bền vững hơn.
Ông cũng đề nghị Chính phủ Indonesia giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với các sản phẩm phù hợp nếu xuất khẩu giảm do sự lây lan của biến thể Delta ở quốc gia nhập khẩu.
Quỹ Phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) mới chỉ được giải ngân khoảng 36,1% trong 6 tháng đầu năm, do vậy cần đẩy nhanh, ưu tiên cho lĩnh vực y tế và bảo trợ xã hội do đây là những cơ sở kinh tế để tầng lớp trung lưu thấp hơn có thể phục hồi.
Mô hình này gần giống như các quốc gia duy trì tăng trưởng khác. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế trong quý III có khả năng bị kìm hãm bởi sự không chắc chắn trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan rộng.