Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề "Indonesia trong bản đồ cà phê thế giới: Cơ hội và triển vọng” do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn (C-RiSSH), Đại học Jember (Đông Java, Indonesia) tổ chức ngày 5/9, Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ kiêm Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia, ông Bambang Brodjonegoro, cho biết nước này quyết tâm nâng cao năng suất cà phê để giành lại vị trí nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới.
Việc tăng sản lượng cà phê là một trong những chương trình kinh tế quốc gia, với các đồn điền cà phê quy mô nhỏ chiếm tới 96% tổng sản lượng cà phê của Indonesia.
Do vậy, nếu năng suất cà phê được nâng cao hơn, thì cộng đồng, từ người nông dân đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê, sẽ cảm nhận được tác động tích cực từ điều này.
Sản lượng cà phê bình quân hàng năm của Indonesia đứng ở mức 600 nghìn tấn, với tổng diện tích trồng cà phê 1,3 triệu ha. Trong đó, 45% được tiêu thụ ở trong nước và phần còn lại được xuất khẩu.
Ông Bambang cho rằng tổng diện tích trồng cà phê của Indonesia lớn hơn của Việt Nam, nhưng Việt Nam có nhiều đòn bẩy hơn trong phát triển cà phê để vượt Indonesia.
Vấn đề tiếp theo nằm ở giai đoạn sau thu hoạch, Bộ Nghiên cứu và Công nghệ thông qua Viện LIPI đã phát triển nhiều công nghệ phù hợp để hỗ trợ nông dân trồng cà phê, như chương trình sản xuất sản phẩm cà phê Aroma Kopi Sumba, từng đạt danh hiệu quán quân cà phê quốc gia năm 2017 và 2018.
Theo ông Irfan Anwar, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI), việc tăng năng suất cà phê cần được chính phủ quan tâm vì diện tích trồng cà phê của Indonesia vẫn lớn hơn của Việt Nam.
Nếu Indonesia có diện tích 1,3 triệu ha, thì Việt Nam chỉ có 650 nghìn ha, nhưng năng suất trồng cà phê của Việt Nam vẫn vượt trội vì họ có thể sản xuất 2,3 tấn cà phê/ha, trong khi sản lượng của Indonesia chỉ đạt tối đa 700 kg/ha.
Nhờ vậy, Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà sản xuất cà phê số hai thế giới, sau Brazil. Colombia và Indonesia lần lượt xếp ở vị trí thứ ba và thứ tư.
Ông Irfan Anwar cho rằng việc nâng cao năng suất của các đồn điền cà phê ở Indonesia cũng đang đối mặt với những trở ngại, giữa lúc đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ hoạt động xuất khẩu cà phê, khiến nhiều khách sạn và quán cà phê phải đóng cửa, qua đó làm giá cà phê thế giới giảm 30%.
Tuy nhiên, giá cà phê đặc sản, một trong những mặt hàng được ưa chuộng hàng đầu của Indonesia, vẫn tiếp tục tăng. Nếu năng suất cà phê được nâng cao, 2 triệu nông dân phụ thuộc vào ngành kinh doanh cà phê ở Indonesia sẽ được hưởng lợi.