Theo BBC, Gang Dolly, tức Ngõ Dolly, là nơi tập trung của nhiều nhà thổ từ những năm 1970 và ngày nay con số nhà chứa này đã lên tới hàng trăm.
Việc đóng cửa được ghi dấu bởi một cuộc tập hợp ở tòa nhà Trung tâm hồi giáo tỉnh Surabaya, bao gồm Bộ trưởng Xã hội Salim Segaf Al Jufri, Thống đốc Đông Java Soekarwo, tỉnh trưởng Surabaya Tri Rismaharini, các thành viên hội đồng lập pháp khu vực, các cô gái "bán hoa" và những người sống trong khu vực Dolly.
"Những gì cần gìn giữ phải mang tính tích cực. Nếu không thì không cần duy trì nữa", hãng tin Antara dẫn lời bình luận của Bộ trưởng Salim Segaf.
Ông Sagaf khen ngợi các nhà hữu trách đã sẵn sàng dẹp bỏ Ngõ Dolly, khu đèn đỏ không chỉ lớn nhất ở Indonesia mà trên toàn vùng Đông Nam Á.
"Chúng tôi đã làm việc hết sức trong 2-3 năm qua để giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng Salim Sagaf nhấn mạnh thêm.
Thống đốc Đông Java Soekarwo cũng tán đồng quyết định đóng cửa khu Dolly. "Đây là một nỗ lực nhân đạo. Khi Tỉnh trưởng Risma đề xuất kế hoạch, tôi đã chấp thuận", ông Soekarwo nói thêm.
Khi được hỏi về việc đưa những cô gái mại dâm nơi đây trở về quê nhà của họ, ông Soekarwo nói, chính phủ địa phương đã cung cấp ngân sách cho kế hoạch đó.
Chính quyền đã đưa ra mức bồi thường tài chính khoảng 500 USD/người trong tổng số 1.400 người đang hành nghề trong Ngõ Dolly nhằm bù lại khoản thu nhập bị mất của họ sau khi khu này bị đóng.
Nhiều người rất hài lòng với quyết định của chính quyền Surabaya, nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối.