"Các hành động thù địch và bất hợp pháp của chính quyền Trump bao gồm việc liệt lãnh đạo tư pháp Iran ông Larijani vào danh sách trừng phạt ... đã vượt qua tất cả 'ranh giới đỏ' cho hành vi trong cộng đồng quốc tế và vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các cam kết song phương và quốc tế của Mỹ, mà Iran sẽ đáp trả bằng một câu trả lời nghiêm túc ", Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, cho biết rằng quyết định của Washington chỉ chứng tỏ sự thù địch của Mỹ đối với Iran.
Bộ này một lần nữa khẳng định quan điểm của Iran về vấn đề này, chống lại động thái của Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của Iran.
"Iran nhấn mạnh rõ ràng rằng sẽ không thực hiện các biện pháp vượt quá các cam kết theo JCPOA ( Kế hoạch hành động chung toàn diện) và sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận này hiện tại hoặc trong tương lai và sẽ không để JCPOA có liên kết đến vấn đề nào khác ngoài vấn đề hạt nhân".
Bộ Ngoại giao Iran đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, ám chỉ một thế lực đứng đằng sau cố gắng làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân, vốn kéo dài nhiều năm và tốn rất nhiều nỗ lực ngoại giao.
"Sự tin cậy của nội bộ và sự ủng hộ của quốc tế đối với hiệp định này đã ngăn cản những nỗ lực của ông Trump, chính quyền Do Thái và liên minh đáng sợ của những kẻ hiếu chiến đang nỗ lực chấm dứt thỏa thuận này hoặc chí ít thay đổi nó" .
Quan điểm cứng rắn này đã được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định đình chỉ các lệnh cấm vận đối với Iran trong 120 ngày nữa để Mỹ và Châu Âu có thể khắc phục được "những sai sót đáng kể" trong đó. Đồng thời Washington cũng áp đặt những biện pháp trừng phạt riêng cho hàng chục công dân Iran, bao gồm cả người đứng đầu bộ phận tư pháp của Iran, ông Ayatollah Sadeq Larijani và các cá nhân và tổ chức liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Quyết định này trước đó đã được ông Trump nhắc đến trong chiến dịch tranh cử trước đó. Sau khi trúng cử, ông Trump chính thức nhắc lại quan điểm của ông về Iran, từ chối tái xác nhận thỏa thuận trước đó vào cuối tháng 10 năm 2017.
Bất chấp những lời chỉ trích, ông Trump không phản đối sự tuân thủ của Tehran đối với thỏa thuận ở cấp độ quốc tế, đồng thời không loại trừ khả năng rút lui nếu thỏa thuận không được cải thiện. Các bên ký kết JCPOA khác đã yêu cầu Mỹ phải tuân thủ các điều khoản của hiệp định và cho biết thỏa thuận đã mang lại kết quả và không thể thương thuyết lại.
Thỏa thuận Iran, còn được gọi là JCPOA, được Tehran và nhóm các nước P5 + 1 - gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh cùng với Đức, ký kết vào tháng 7/2015, quy định Iran phải tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiên cứu, làm giàu uranium, Mỹ, EU và LHQ sẽ phải dừng hoặc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như lệnh cấm vận vũ khí.
Theo Sputnik