Các quan chức Iran ban đầu cho rằng vụ tai nạn máy bay vào sáng 8/1 là do các sự cố kỹ thuật, nhưng nhiều ngày sau đó đã thừa nhận chính hệ thống tên lửa phòng không của nước này đã bắn hạn chiếc máy bay của Ukraine.
Một báo cáo từ tổ chức hàng không dân dụng Iran (CAO) công bố vào cuối tuần trước cho biết các lực lượng điều hành hệ thống phòng thủ tên lửa đóng quân gần Tehran đã hiểu nhầm chiếc máy bay dân sự là một mối đe dọa từ quân đội Mỹ.
"Do lỗi của con người, hệ thống radar không thể phát hiện quỹ đạo của máy bay Ukraine, khiến cho một trong những người điều khiển tên lửa cảm giác nó đang di chuyển theo hướng trở thành một vật thể thù địch", báo cáo của CAO cho biết.
Người điều hành tên lửa đã cố gắng thông báo cho trung tâm điều phối rằng hệ thống của anh ta đã xác định được mối đe dọa nhưng không thành công do lỗi truyền tin. Sau đó, người này đã bắn chiếc Boeing 737-800 mà không xin ý kiến chấp thuận, theo các nhà điều tra thì đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Theo quy trình hiện hành, nếu người vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa không thể thiết lập liên lạc với trung tâm điều phối và không nhận được lệnh bắn, họ không được phép khai hỏa.
"Trong khi đó, máy bay Ukraine đã tuân thủ các quy trình chính xác để cất cánh và đang trên đường bay đã được phê duyệt trước khi bị bắn hạ:, các nhà điều tra cho biết.
Vụ tai nạn hàng không này xảy ra chỉ 5 ngày sau khi tướng Qassem Suleimani của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị chính phủ Mỹ ám sát. Ngay sau đó phía Iran đã nã tên lửa vào hai căn cứ của quân đội Mỹ tại Iraq.
Tehran đã lên tiếng nhận trách nhiệm của mình đối với vụ việc hai ngày sau đó, Tổng thống Hassan Rouhani mô tả đây là một sai lầm không thể tha thứ được. Vào tháng 6 vừa qua, phía Iran cho biết 6 người liên quan tới vụ tai nạn đã bị bắt giữ.
Iran ban đầu đã từ chối bàn giao hộp đen cho các nhà điều tra nước ngoài nhưng không có thiết bị để đọc dữ liệu. Nước này có kế hoạch bàn giao thiết bị cho chính phủ Pháp vào ngày 20/7.
Nạn nhân của vụ tai nạn bao gồm hàng chục người Iran và Canada, cũng như những người từ Ukraine, Anh, Afghanistan và Đức.