Có thể tổ chức Khai giảng trực tuyến
Năm học 2019 - 2020, học sinh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước có chuỗi ngày nghỉ phòng chống dịch bệnh đầu học kỳ II kéo dài trong khoảng 2 - 3 tháng (tùy từng nơi). Học sinh được hướng dẫn học trực tuyến trong thời gian nghỉ, năm học cũng đã được đẩy lùi tới gần một tháng rưỡi. Năm học đặc biệt cũng đã kết thúc, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng được diễn ra thành công trong sự thở phào nhẹ nhõm của toàn xã hội, mặc dù vẫn còn hơn 2 vạn thí sinh sẽ tiếp tục dự thi đợt II trong thời gian tới.
Liên quan đến lịch tựu trường và khai giảng năm học mới 2020 - 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành, đại diện Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã tính toán các kịch bản chuẩn bị cho năm học mới 2020 - 2021. Đó là, các địa phương đang giãn cách xã hội hoặc tình hình dịch COVID-19 phức tạp, tùy từng hoàn cảnh có thể linh động và có nhiều cách tổ chức khai giảng. Các địa phương có thể tổ chức khai giảng trực tuyến.
Thông tin các địa phương có diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội có thể tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến được các nhà trường, giáo viên, đặc biệt là với phụ huynh cũng rất quan tâm. Phụ huynh Nguyễn Văn Tiến (Tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) có con học lớp 3 chia sẻ: "Sức khỏe, an toàn của học sinh cần phải được đặt lên hàng đầu. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, có các ca nhiễm trong cộng đồng, việc tổ chức khai giảng, học tập trực tuyến cần được duy trì và đòi hỏi sự nỗ lực của nhà trường, phụ huynh và học sinh. Tôi hoàn toàn ủng hộ với hoạt động trực tuyến này".
"Từ nay đến khai giảng năm học mới cũng còn khoảng 2 tuần, chưa biết tình hình dịch bệnh COVID-19 ra sao, nhưng nếu chưa thực sự an toàn, nhà trường nên tổ chức khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến. Những năm gần đây, thời điểm khai giảng vẫn còn nắng nóng, nhiều nội dung kéo dài dẫn đến học sinh chịu nắng nóng, ngồi lâu… Khai giảng cần gọn, nhẹ và tổ chức trực tuyến hoặc quay lại thành video ngắn để phụ huynh, học sinh xem lại nếu không xem được trực tiếp", phụ huynh Phạm Quỳnh Anh (Giảng Võ, Hà Nội) kiến nghị.
Cần tổ chức ngắn gọn, ý nghĩa
Đối với phạm vi nhà trường, theo ghi nhận, đại diện nhiều trường học tại Hà Nội cho biết, đồng tình với dự kiến của Bộ GD&ĐT về tổ chức khai giảng trực tuyến ở một số nơi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bởi hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội cũng đã lùi lịch tựu trường năm học mới. Thậm chí, để đảm bảo năm học được diễn ra đúng tiến độ, đã có một số trường chính thức tổ chức dạy học trực tuyến.
Ủng hộ với chủ trương của Bộ GD&ĐT, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh cũng khá phức tạp và chưa biết bao giờ an toàn trở lại. Không chỉ khai giảng trực tuyến và cũng cần nghĩ đến kế hoạch tổ chức học tập trực tuyến cho chủ động. Đối với khai giảng, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT những năm gần đây là khai giảng phải ngắn gọn, ý nghĩa, thiết thực, do đó khi tổ chức khai giảng trực tuyến cần phải ngắn gọn, súc tích hơn. Đó có thể là Hiệu trưởng nhà trường đưa ra thông điệp đầu năm học, lời nhắn gửi tới thầy cô, cha mẹ học sinh, học sinh làm sao hoàn thành nhiệm vụ năm học trong điều kiện nhiệm vụ mới đặt ra những khó khăn, thách thức, về dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra…
Về hình thức, theo thầy Bình, các trường cần thay đổi hình thức, cách thức làm về khai giảng trực tuyến. Có thể là thầy Hiệu trưởng ngồi ở phòng làm việc, hoặc ở phòng hội đồng có các thầy cô giáo khác có nhiệm vụ phát đi thông điệp này tới phụ huynh, học sinh về năm học mới. Cùng lựa chọn thời điểm nào đó cho phù hợp. Hết sức ngắn gọn, không nên quan trọng hóa về hình thức, bởi trên thực tế hiện nay các cuộc họp đều giản đơn và vẫn đầy đủ nội dung… Miễn sao đảm bảo an toàn cho học sinh.
"Khai giảng có ý nghĩa nhiều với những em học sinh lớp đầu cấp, với các em chuyển bậc học đến ngôi trường mới chắc sẽ háo hức, chờ đợi sự mới mẻ... Điều đó cần người Hiệu trưởng đưa ra những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất về một năm học mới. Những truyền tải trong thời điểm khai giảng trực tuyến có thể không nói hết được, cái đó rất cần giáo viên chủ nhiệm tiếp tục đảm nhận hướng dẫn về phương pháp học, ôn về truyền thống nhà trường và có thể tổ chức thành các hoạt động sau khai giảng", thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Khai giảng năm học theo hình thức trực tuyến sẽ thế nào?
Rất có thể, lần đầu tiên trong lịch sử, một số trường học tại Việt Nam sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là một lựa chọn được nhiều phụ huynh, nhà trường ủng hộ.
Ảnh minh họa |
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021, học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất ngày 1/9, khai giảng ngày 5/9. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, các địa phương có thể tổ chức khai giảng trực tuyến, nhưng cần giữ được ý nghĩa của ngày khai giảng và thể hiện được thông điệp "Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học". Khi học sinh ở nhà dự lễ khai giảng trực tuyến nhưng vẫn phải cảm nhận và hòa chung không khí tựu trường trên khắp cả nước, theo dõi được thông điệp của năm học mới.
Theo GĐXH
TIN LIÊN QUAN