Nằm giữa quảng trường Étoile, vị trí của Khải Hoàn Môn là điểm cuối của đại lộ Champs-Elysées, khu vực tập trung khách du lịch của thành phố.
Đây là kiến trúc vòng cung (triumphal arc) lớn nhất thế giới với chiều cao 50 mét, rộng 45 mét.
Các mặt của công trình được trang trí nhiều bức phù điêu, tượng đài và khắc tên các nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn Cách mạng và Đế chế.
Bên dưới vòm cung Khải Hoàn Môn là Phần Mộ Chiến Sĩ Vô Danh của Thế Chiến Thứ Nhất và Thế Chiến Thứ Hai được thiết lập vào năm 1920 với ngọn lửa không bao giờ tắt.
Vào năm 1806, Hoàng Đế Napoléon I đã ra lệnh xây dựng Khải Hoàn Môn để kỷ niệm các chiến thắng lẫy lừng của các đạo quân Pháp.
Kiến trúc này do Kiến Trúc Sư Jean-Francois Chalgrin (1739–1811)vẽ kiểu theo các đài chiến thắng của Thành Phố Rome cổ. Việc xây dựng Khải Hoàn Môn đã bị ngưng lại khi Hoàng Đế Napoléon I không còn cai trị nước Pháp vào năm 1814 rồi sau đó được hoàn thành vào năm 1836 dưới triều đại của Vua Louis Philippe.
Bốn năm sau, hài cốt của Hoàng Đế Napoléon từ đảo Saint Helena được mang về Pháp, đưa qua Khải Hoàn Môn và chôn cất tại Điện Invalides.
Kể từ thời gian này, Khải Hoàn Môn được dùng làm địa điểm của các lễ quốc táng. Lễ quốc táng lớn lao nhất là của Đại Văn Hào Victor Hugo năm 1885.
Quan tài của Đại Văn Hào được đặt dưới vòm cung để toàn dân Paris tỏ lòng tôn kính. Một lễ quốc táng quan trọng khác tổ chức vào năm 1929 là của Thống Chế Ferdinand Foch, vị Tư Lệnh các lực lượng Đồng Minh trong Thế Chiến 1.
Từ chân của Khải Hoàn Môn, du khách có thể dùng thang máy hay thang chân bước lên tầng cao nhất, nơi này có phòng triển lãm các hình ảnh và họa đồ xây dựng Khải Hoàn Môn qua các thời đại.
Cũng tại đài quan sát trên tầng cao này, du khách nhìn thấy các cảnh trí tuyệt đẹp của Đại Lộ Elysées, Viện Bảo Tàng Louvre, Tháp Eiffel, Giáo Đường Sacré Coeur và Khu Vực Mới La Défense.
Cũng từ địa điểm này tỏa ra 12 đại lộ và các xe cộ rất đông đúc chạy chung quanh Khải Hoàn Môn, vì vậy du khách muốn tới nơi này phải dùng các con đường hầm. Ngày nay Công Trường Khải Hoàn Môn còn được gọi tên là Công Trường Charles De Gaule Etoile.
Trang Ly (T/h)
Xem thêm:
- Những khám phá thú vị về độ nghiêng của Tháp Pisa
- 25 câu nói bất hủ của thiên tài quân sự Napoleon
- Victor Hugo và những câu nói ‘để đời’ của bậc thầy văn học Pháp