Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng độ dày của lớp khí quyển đã giảm 400 m kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước và nhiều khả năng sẽ mỏng thêm khoảng 1000 m nữa vào năm 2080 nếu lượng lớn khí thải nhà kính không được cắt giảm.
Hiện tượng này gây ra những ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các vệ tinh, hệ thống định vị GPS và hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến.
Đây là phát hiện mới nhất cho thấy những tác động sâu sắc của con người làm ảnh hưởng đến Trái đất. Vào tháng 4, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm lệch trục của Trái đất khi tình trạng băng tan đã khiến cho trọng lượng phân bổ trên toàn cầu có sự thay đổi.
Tầng bình lưu nằm trong khoảng độ cao từ 20 km đến 60 km phía trên bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, hiện tượng khí CO2 hấp thụ nhiệt và làm dãn nở không khí tại tầng đối lưu phía dưới – nơi con người sinh sống, đã khiến cho tầng bình lưu bị đẩy lên và dần thu hẹp. Ngoài ra, khi CO2 đi vào tầng bình lưu, nó lại làm lạnh không khí và xuất hiện tình trạng bị co lại.
Theo ông Juan Añel thuộc Đại học Vigo ở Tây Ban Nha và một số nhà nghiên cứu, hiện tượng tầng bình lưu bị thu hẹp là một tín hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng khẩn cấp về khí hậu và tầm ảnh hưởng của nó trên quy mô hành tinh mà nhân loại sẽ phải gánh chịu.
“Điều này thật đáng kinh ngạc", ông Juan Añel bình luận. “Nó chứng tỏ rằng chúng ta đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu khí quyển ở độ cao lên tới 60 km”.
Các nhà khoa học đã từng phát hiện ra rằng tầng đối lưu đang tăng trần và nới rộng độ dày khi lượng khí thải CO2 tăng lên, đồng thời đưa ra giả thuyết rằng tầng bình lưu đang thu hẹp lại.
Nhưng nghiên cứu mới đây là đã lần đầu tiên chứng minh điều này và cho thấy hiện tượng này đã xuất hiện ít nhất là từ những năm 1980, khi dữ liệu vệ tinh lần đầu tiên được thu thập.
Một số nhà nghiên cứu từng cho rằng tình trạng thủng tầng ozon trong những thập kỷ gần đây có thể là nguyên nhân khiến cho độ dày của tầng bình lưu bị thu hẹp lại, bởi đây chính là tầng ozon hấp thụ tia UV từ mặt trời. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy sự gia tăng của lượng khí CO2 mới chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tầng bình lưu mất ổn định và bị co lại.
“Hiện tượng tầng bình lưu bị thu hẹp có thể làm ảnh hưởng đến quỹ đạo của vệ tinh, sự lan truyền của sóng vô tuyến, hiệu suất tổng thể của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) và các hệ thống định vị dựa trên không gian khác”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Giáo sư Paul Williams, thuộc Đại học Reading ở Anh, đưa ra bình luận đồng tính với nghiên cứu mới đây: “Nghiên cứu này đã tìm ra được bằng chứng đầu tiên từ quá trình quan sát hiện tượng co lại của tầng bình lưu, và cho thấy nguyên nhân thực tế là do lượng khí nhà kính chúng ta phát thải chứ không phải là do lượng ozon”.
“Điều đáng nói là chúng ta vẫn đang phát hiện ra những khía cạnh ảnh hưởng mới của biến đổi khí hậu sau nhiều thập kỷ nghiên cứu,” ông Williams chia sẻ ý kiến cá nhân. “Điều đó khiến tôi tự hỏi bầu khí quyển còn phải chịu những ảnh hưởng nào từ tình trạng phát thải khí nhà kính mà chúng ta chưa phát hiện ra”.