Chiều 22/11, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa và quyết định của Bộ trưởng, báo VTC News đưa tin.
Tại buổi họp báo, ông Thái Văn Tài cho biết sau 2 vòng thẩm định, 38 trên 49 bản thảo của chín môn đáp ứng đủ 13 tiêu chí theo Thông tư 33, 11 bản thảo sáu môn "Không đạt". Ngày 21/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 32 cuốn của 8 môn. Riêng Tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt do là môn tự chọn.
Trong 32 cuốn sách, có 5 cuốn Tiếng Việt, 5 cuốn Toán, 5 cuốn Đạo đức, 3 cuốn Tự nhiên và Xã hội, 1 cuốn Giáo dục thể chất, 5 cuốn Âm nhạc, 5 cuốn Mỹ thuật và 3 cuốn Hoạt động trải nghiệm. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn được phê duyệt. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có 4 cuốn, theo ghi nhận của báo VnExpress.
Trước lo ngại tính độc quyền khi thị phần sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục lớn nhất, ông Thái Văn Tài cho rằng tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa bởi hiện có nhiều bộ sách giáo khoa từ nhiều nhóm tác giả và nhiều nhà xuất bản. Hơn nữa, Luật Giáo dục không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. "Chúng ta không nên băn khoăn quá nhiều về tính độc quyền", ông Tài nói.
Liên quan đến ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào về kết quả thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia cũng như của dư luận về "Chương trình thực nghiệm"; chỉ đạo rà soát lại việc thẩm định sách giáo khoa (SGK) nói chung, đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Trước đó, Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK đánh giá là “Không đạt” với các bản mẫu sách giáo khoa môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 và Đạo đức 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Điều này dẫn đến khả năng là “Chương trình thực nghiệm” phải chấm dứt giảng dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, đại diện cho cán bộ trung tâm Công nghệ giáo dục đã viết kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sách Công nghệ giáo dục bị loại, theo tờ Sài Gòn Giải Phóng.