Tâm huyết với nghề, trong 9 năm công tác tại trường tiểu học Dịch Vọng B, thầy giáo Nguyễn Văn Quyết đã sáng tạo không ngừng và gặt hái nhiều thành công trong vai trò giáo viên Tổng Phụ trách Đội, người có trách nhiệm giúp các em học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Với thầy Quyết, đó là cả một chặng đường dài nỗ lực không mệt mỏi.
Cú sốc của thầy giáo mỹ thuật
Học Đại học Sư phạm chuyên ngành Mỹ thuật, nhưng về trường Tiểu học Dịch vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội), Quyết được giao làm… tổng phụ trách. “Với tôi khi đó thật sự là một cú sốc”, thầy Quyết chia sẻ.
Chưa qua trường lớp nào về công tác đội, thầy giáo trẻ ngơ ngác, lóng ngóng từ cách dẫn chương trình, viết kịch bản nội dung đến sổ sách. Phải sau nhiều khóa tập huấn về công tác đội và được sự chỉ dẫn tận tình của các đồng nghiệp, thầy Quyết mới dần quen với công việc này.
Làm tổng phụ trách có nhiều niềm vui khi tiếp xúc với tất cả các học sinh trong trường, nhưng cũng khiến thầy giáo trẻ trăn trở khi nhận ra các hoạt động ngày càng nhàm chán. Trong các buổi triển khai các hoạt động tuyên truyền kiến thức xã hội, kỹ năng cho học sinh, thầy Quyết càng gặp nhiều khó khăn vì những bài giảng nặng tính lý thuyết, tuyên truyền, giáo huấn không thu hút được học sinh. Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, đứng trước hàng trăm học sinh, thầy phải hô hào các em chỉnh đốn hàng ngũ, tập trung đội hình, bớt nói chuyện riêng… “Là người thầy, mình thực sự buồn lòng khi bài giảng không mang lại sự hấp dẫn cho các em,” thầy Quyết buồn rầu nói.
Tình cờ, một lần thầy Quyết xem được bản tin thời sự bằng nhạc rap của báo điện tử VietnamPlus, thầy Quyết lập tức nảy ra ý tưởng đưa rap vào trong các hoạt động ở trường.
Dù không hiểu nhiều về loại hình âm nhạc này, nhưng thầy Quyết cho biết cũng không quá khó để làm quen. Chọn một nền nhạc rap đã có sẵn, thầy soạn lời phù hợp với nhịp và tạo vần điệu cho dễ đọc.
Một ngày đầu năm 2017, học sinh trường Tiểu học Dịch vọng B bất ngờ khi thấy trường sôi động trong tiếng nhạc xập xình. Giờ sinh hoạt vốn khá khô cứng với những bài giảng giảng đạo đức đầy lý thuyết bỗng nhiên biến mất, thay vào đó là trò chơi khởi động, những câu đố thú vị, những phần thưởng nhỏ xinh. Cả sân trường lập tức nóng ran trong không khí tưng bừng náo nhiệt, trong tiếng hò reo phấn khích của hàng trăm học sinh. Trên sân khấu, thầy tổng phụ trách Nguyễn Văn Quyết bỗng “lột xác” thành một rapper:
Câu hỏi/ tiếp theo/ như sau. Đố/ các bạn biết/ đây/ là/ cái gì?
Lòng tôi/có/đất/có/trời
Có câu/ nhân/ nghĩa/ có/ người/ hiếu trung
Mỗi khi/ muốn ngắm/ muốn dùng
Thì tôi/ lại/ mở/ cõi lòng/ cho xem
Kết quả thật bất ngờ khi học sinh trong trường đều vô cùng hào hứng. Những chủ đề vốn khô khan như an toàn giao thông, văn hóa học… được học sinh đón nhận một cách tự nhiên. Nhìn đám học trò vẫn đang ngoác miệng cười không ngớt, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Quyết không giấu được niềm hạnh phúc: “Sự hào hứng của các em chính là niềm vui, là động lực lớn nhất để tôi luôn luôn phải tìm tòi đổi mới, sáng tạo để… thích nghi với học trò”.
Thầy Nguyễn Văn Quyết có biệt danh đáng yêu: "Thầy giáo loa thùng". |
Với suy nghĩ ấy, trong vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy Quyết đã có nhiều cách làm sáng tạo để học sinh nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí minh. Thầy đã giúp các em mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, bản lĩnh, tự tin. Hàng loạt phong trào tích cực, giàu ý nghĩa giáo dục đã được thầy khởi xướng và thu hút được đông đảo học sinh như xây dựng Hòm thư điều em muốn nói tại phòng Đội nhà trường; xây dựng góc tuyên dương: “Mỗi ngày một việc làm tốt – Mỗi tuần là một câu chuyện đẹp”; phong trào “Những viên kẹo ngọt ngào – Dành tặng những việc làm tốt”; “Đổi và thu gom pin cũ”.
Ở trường Tiểu học Dịch Vọng B, học sinh vẫn tinh nghịch gọi thầy Quyết với cái tên thân mật: “thầy Quýt”. “Mỗi khi nghe các em í ới ‘Thầy Quýt ơi, thầy Quýt ơi!’, tôi thấy rất vui. Điều đó cho thấy các em quý mến và gần gũi với mình hơn,” thầy Quyết chia sẻ. Gần gũi với học sinh cũng là một trong những bí quyết của thầy giáo trẻ để có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trồng người của mình.
Tận tâm vì cộng đồng
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động trong vai trò giáo viên tổng phụ trách, trong quá trình công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Quyết luôn đau đáu với các hoạt động xã hội, thiện nguyện trên địa bàn và khắp các tỉnh thành như tham gia tình nguyện tại Lào năm 2013; các chương trình thiện nguyện “Trung thu miền Tây Bắc”, “Tết ấm cho em”; trao tặng Tủ sách Lam Sơn; tặng quần áo đồng phục cho học sinh vùng cao…Thầy cũng tham gia Hội thi cán bộ Hội Chữ thập đỏ giỏi toàn quốc năm 2018; xây dựng và biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền hiến mô tạng “Cho đi là còn mãi” trong Hội thi Cán bộ Chữ thập đỏ giỏi cấp Thành phố năm 2018
Cũng trong năm 2018, “bốt điện nở hoa” trở thành một phong trào được các phường, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai rộng rãi nhằm tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị, hạn chế tình trạng tập kết rác thải sai quy định. Một trong những người nhiệt tình tham gia phong trào này trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung chính là thầy giáo Nguyễn Văn Quyết với công trình hơn 100 “bốt điện nở hoa” trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầu năm nay, đặc biệt là khoảng thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, hình ảnh thầy Quyết rong ruổi khắp ngõ ngách của Thủ đô, tuyên truyền về phòng, chống dịch đã trở nên quen thuộc với người dân Cần Giấy. Thầy đã quyên góp, vận động người dân ủng hộ được gần 2 tấn gạo cho 4 cây ATM Gạo tại 4 quận gửi các gia đình có hoàn cảnh có khăn; Tích cực làm mũ chắn bọt gửi cho các chiến sĩ tuyến đầu mặt đầu chống dịch, tham gia các cuộc thi trực tuyến và phát động học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến trong thời gian nghỉ Dịch như: Vẽ tranh Chiến sĩ nhí diệt covid, Hà Nội trong em, Thông điệp chiến thắng. Cá nhân thầy Quyết cũng đạt giải Nhất cuộc thi Thông điệp chiến thắng do Quận đoàn Cầu Giấy tổ chức.
9 năm qua, trên cương vị là một giáo viên Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Văn Quyết luôn tận tâm, tận tụy với nghề, bởi tình yêu lớn lao, đồng cảm, coi các em học sinh như những người bạn, luôn mong muốn giáo dục, giúp các em đi tới thành công. Đó chính là động lực để thầy giáo không cảm thấy mệt mỏi, áp lực trước công việc hàng ngày, luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tích cực suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, nỗ lực cùng tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
“Tôi luôn tâm niệm khi làm gì đó thì hãy làm bằng cả trái tim. Khẩu hiệu luôn thôi thúc tôi khi chọn nghề giáo là: mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Niềm vui lớn nhất của người thầy là thấy học sinh mình hạnh phúc. Bản thân mình vui, học sinh vui thì chắc hẳn là sẽ có nhiều người khác cùng vui theo, như phụ huynh chẳng hạn,” thầy Quyết vui vẻ nói.