Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2018 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 3,54% so với tháng 12/2017 và tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 1,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng. |
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tính chung 10 tháng có tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 10 tháng ước đạt 193,84 tỷ USD tăng 11,8%.
Những con số này cho thấy mức xuất siêu 6,4 tỷ USD của nền kinh tế Việt Nam 10 tháng qua.
Theo báo cáo, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19/10/2018 tăng khoảng 10,38% so với cuối năm 2017, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định.
Về thu, chi ngân sách nhà nước, tính đến hết tháng 10/2018, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 1.120,345 nghìn tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước đạt 1.103,12 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 72,4 dự toán, tăng 9,4%.
Về đầu tư phát triển, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng đầu năm ước đạt 224,8 nghìn tỷ đồng, đạt 56,24% so với dự toán Quốc hội giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,73%).
Tính đến ngày 20/10/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 27,7 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Giải ngân vốn FDI ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp xấp xỉ con số của năm trước. Sản xuất thủy sản trong 10 tháng năm 2018 đã tăng 6% so với cùng kỳ 2017.
Những con số tăng ấn tượng cũng ghi nhận ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hoạt động dịch vụ. Tính chung 10 tháng năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 22,4%.
Với các hoạt động doanh nghiệp, 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 109.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 27.935 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng 62,6%.
Trong một số lĩnh vực khác như lao động, việc làm, khoa học và công nghệ; an sinh xã hội; văn hóa, thể dục thể thao; thông tin, truyền thông đều có những chuyển biến tích cực. Công tác an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ tiếp tục được quan tâm và chỉ đạo thực hiện./.