'Lá bài' ngoại giao vaccine của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Dù không có khách VIP nào trên một chuyến bay từ Bắc Kinh đến sân bay São Paulo hồi đầu tháng 11 nhưng thống đốc bang João Doria đã dẫn đầu một phái đoàn cấp cao tập trung trên đường băng để chào đón 7 thùng vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Thống đốc Doria hy vọng những chiếc lọ nhỏ trong tủ lạnh kia sẽ nhanh chóng dập tắt hoặc ít nhất cũng kiềm chế được tình hình dịch bệnh đang lan nhanh tại bang São Paulo.

'Lá bài' ngoại giao vaccine của Trung Quốc

Hy vọng cho các nước đang phát triển

Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với hơn 6 triệu trường hợp mắc COVID-19 và gần 170.000 người chết.

Trung Quốc đã hứa rằng 6 triệu liều vaccine CoronaVac, do công ty công nghệ sinh học Sinovac sản xuất, sẽ được chuyển đến Brazil vào tháng 1 năm 2021.

Các chuyến hàng đến Brazil là một phần của chiến dịch ngoại giao vaccine mà chính quyền Bắc Kinh đang triển khai trên khắp thế giới. Việc để lây lan dịch COVID-19 ra toàn thế giới đã làm dấy lên làn sóng phân biệt chủng tộc nhắm vào người dân Trung Quốc và làm tổn hại đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của nước này, vốn đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Một loại vaccine thành công, được cung cấp với giá cả phải chăng, cung cấp một lộ trình tiềm năng để giải quyết tây lý bài xích và xoa dịu những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc, cũng như thúc đẩy tài chính cho các công ty công nghệ sinh học của nước này. Trung Quốc sản xuất khoảng 1/5 số vaccine COVID-19 trên thế giới vào thời điểm hiện tại nhưng chủ yếu là để sử dụng trong nước.

Trả lời tờ The Guardian, giáo sư Maurício Santoro từ Đại học Bang Rio de Janeiro cho biết: “Ý tưởng biến vaccine Trung Quốc sẽ trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu là rất quan trọng đối với nước này, bởi vì nó đã trở thành vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến tuyên truyền”.

Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Washington, cho biết vaccine cũng có thể được Bắc Kinh sử dụng như “một công cụ cho chính sách đối ngoại nhằm thúc đẩy quyền lực mềm và tạo ảnh hưởng quốc tế”.

Ông Huang cho biết chiến lược ngoại giao vaccine có thể giúp Trung Quốc lấy lại những gì đã mất.

'Lá bài' ngoại giao vaccine của Trung Quốc ảnh 1

Trung Quốc hiện có 5 ứng cử viên vaccine do 4 công ty sản xuất đã đạt được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, bước thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất trước khi tìm kiếm sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Do đã kiểm soát được tình hình trong nước, các hãng dược phẩm Trung Quốc đã đem vaccine ra các nước khác để thử nghiệm trên người. Đã có ít nhất 16 quốc gia thử nghiệm vaccine của Trung Quốc.

Đổi lại, các quốc gia sở này đã được hứa hẹn sẽ tiếp cận sớm với các lô vaccine đầu tiên thành công hoặc thậm chí là được chuyển giao công nghệ sản xuất.

Hãng dược Sinovac Biotech đã ký hợp đồng cung cấp 46 triệu liều vaccine COVID-19 cho Brazil và 50 triệu liều cho Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty này cũng sẽ cung cấp số lượng lớn 40 triệu liều vaccine cô đặc trước khi được chia thành các lọ nhỏ cho Indonesia để sản xuất trong nước.

Trong khi đó CanSino Biologics sẽ cung cấp 35 triệu liều vaccine của mình cho Mexico. Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), một đơn vị thuộc sở hữu nhà nước của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) đang cho thử nghiệm vaccine tại 10 quốc gia, chủ yếu ở Trung Đông và Nam Mỹ.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, công ty Emirati hợp tác với Sinopharm hy vọng sẽ sản xuất từ 75 đến 100 triệu liều trong năm tới.

Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen vào tháng trước cho biết hàng chục quốc gia đã yêu cầu mua vaccine của công ty cũng như khẳng định CNBG có khả năng sản xuất hơn một tỷ liều vào năm 2021.

“Trung Quốc không chỉ có ý chí chính trị đối với chính sách ngoại giao vaccine, mà còn có năng lực mạnh mẽ để biến điều đó thành hiện thực”, ông Liu nói.

'Lá bài' ngoại giao vaccine của Trung Quốc ảnh 2

Trung Quốc hiện đã kiểm soát thành công dịch bệnh, nên nước này không cần triển khai tiêm vaccine khẩn cấp cho hơn 1 tỷ người trên cả nước. “Điều này tạo cho chúng tôi đòn bẩy để thực hiện các giao dịch với các quốc gia cần vaccine”.

Không tìm kiếm lợi nhuận từ vaccine

“Phương Tây thổi phồng chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc, nhưng không thể giúp các nước nghèo”, đó là tựa đề cho một bài báo của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc.

Theo bài báo, quá trình đếm ngược đã bắt đầu được triển khai để tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. “Nhưng sản phẩm cứu mạng này đã hết lần này đến lần khác bị chính trị hóa bởi một số phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó miêu tả vaccine của Trung Quốc như một con bài mặc cả để thay đổi cục diện địa chính trị”.

Theo phía Trung Quốc, hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây đều cố tình bôi nhọ hoặc thổi phồng rằng mọi động thái của Trung Quốc đều ẩn chứa những tính toán chính trị.

Là quốc gia đầu tiên thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, Trung Quốc đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí hợp tác với các nước khác, cho dù họ là đồng minh của Mỹ hay có tranh chấp với Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh tuyên bố biến vaccine COVID-19 trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu có nghĩa là Trung Quốc quyết tâm dựa vào năng lực sản xuất công nghiệp mạnh mẽ của mình để đảm bảo vaccine có giá cả phải chăng cho mọi quốc gia đang phát triển. Nước này sẽ không tìm kiếm lợi nhuận thô thông qua việc thực thi các bằng sáng chế vào thời điểm khủng hoảng, không giống như các nước phương Tây.

'Lá bài' ngoại giao vaccine của Trung Quốc ảnh 3

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nêu rõ quan điểm của mình ngay từ đầu tháng 9: Trung Quốc, không giống như các nước khác, không tìm kiếm “phí đặt trước” hoặc thanh toán trước cho vaccine giống như phương Tây.

“Bài học quan trọng nhất cho năm 2020 là dịch bệnh không quan tâm tới đường biên giới hay thể chế chính trị. Bất kỳ quốc gia nào tiếp tục đi theo con đường chính trị hóa đại dịch sai trái sẽ chỉ tiếp tục vật lộn trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”, bài báo kết luận.

Con dao hai lưỡi

Năm ngoái, Trung Quốc đứng thứ 27 trong số 30 quốc gia trong chỉ số Sức mạnh mềm 30 do Trung tâm Ngoại giao Công chúng và Truyền thông Portland của Đại học Nam California (Mỹ) công bố.

Trong một bài bình luận gần đây cho trang Bloomberg, ông Hal Brands, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, chỉ ra rằng Mỹ vẫn dẫn trước Trung Quốc trên trường quốc tế, kể cả về quyền lực mềm.

Monocle, tạp chí về các vấn đề toàn cầu, đã xếp Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản vào các vị trí hàng đầu trong chỉ số quyền lực mềm, cái tên Trung Quốc lại không hề được đề cập tới.

Tạp chí có trụ sở tại London cho biết mặc dù sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã giúp họ xây dựng ảnh hưởng trên toàn thế giới, quốc gia này không lọt vào danh sách của họ vì “chính quyền Bắc Kinh vốn không gây được thiện cảm tốt và nỗi lo ngại về chính sách bành trướng của các quốc gia láng giềng đã khiến quyền lực mềm của nước này trở nên rất bấp bênh”.

Chính sách ngoại giao vaccine mà Trung Quốc đang triển khai đối với các nước đang phát triển nên tính đến sự chênh lệch này. Những xếp hạng và nhận thức này cho thấy những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và tăng cường hiện diện tại các cuộc thảo luận về khí hậu và năng lượng toàn cầu đã “đổ sông đổ bể” bởi quan niệm Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình như một công cụ bành trướng sức ảnh hưởng.

Ngay cả những nỗ lực nhằm tăng cường vai trò của mình trong Tổ chức Y tế Thế giới đồng thời khẳng định mình là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu có trách nhiệm thông qua việc thúc đẩy dự án “Con đường Tơ lụa Y tế”, nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia Vành đai và Con đường, cũng không mang lại hiệu quả và uy tín cho Trung Quốc.

Thay vì coi đây là một cuộc tấn công toàn cầu nhằm giành lấy thiện cảm của quốc tế dưới danh nghĩa là “cường quốc có trách nhiệm”, Trung Quốc nên tiến hành chính sách ngoại giao y tế mới nhất của mình một cách thận trọng.

'Lá bài' ngoại giao vaccine của Trung Quốc ảnh 4

Có lẽ các quan chức Bắc Kinh vẫn chưa quên phản ứng dữ dội hồi đầu năm khi các thiết bị y tế kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất bị các quốc gia khác từ chối nhận, trên thực tế có không ít lô hàng thiết bị kém chất lượng đã bị các công ty tư nhân lợi dụng dịp này để bán kiếm lời, bất chấp mục đích tốt đẹp của chính phủ.

Những nỗ lực cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm COVID-19 nhanh chóng cũng vấp phải sự phản đối sau khi các quốc gia như Philippines, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cho rằng chúng không đạt tiêu chuẩn và cho kết quả không chính xác.

Ở Brazil, vấn đề vaccine Trung Quốc đã trở thành tâm điểm cho sự cạnh tranh chính trị ngày càng gay gắt giữa thống đốc João Doria và Tổng thống Jair Bolsonaro, người đã đình chỉ việc thử nghiệm vaccine Trung Quốc sau cái chết của một người tham gia thử nghiệm.

“Thật hợp lý khi công chúng tỏ ra nghi ngờ vào lúc đầu, nhưng rồi họ sẽ chấp nhận vaccine một khi nhận thức được rằng rủi ro là rất nhỏ so với lợi ích”, bà Adriana Abdenur, giám đốc điều hành của viện nghiên cứu Plataforma CIPÓ cho biết. “Một cuộc khảo sát gần đây được công bố trên tạp chí Nature cho thấy 85,3% người Brazil sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19”.

Một vấn đề nữa mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần suy tính kỹ càng khi thúc đẩy chiến lược tăng cường quyền lực mềm đó là vaccine của nước này vẫn chưa chứng minh được độ an toàn và có nhiều tác dụng phụ chưa được kiểm chứng rộng rãi. Do đó Bắc Kinh nên kiềm chế việc xuất khẩu vaccine ồ ạt ra nước ngoài mà đánh giá tình hình thực tế tại từng quốc gia.

Rốt cuộc, “sự hào phóng chính trị” - một thuật ngữ được đặt ra bởi Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell vào đầu năm nay, có thể phản tác dụng và làm suy giảm những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố quyền lực mềm của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.