Đây là ý kiến thống nhất mà UBND tỉnh Lâm Đồng vừa nêu tại văn bản được ban hành ngày 15/12/2023. Việc yêu cầu Sasco có những thay đổi trên nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Dankia - Suối Vàng được Thủ tướng phê duyệt năm 2018.
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sasco điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Suối Hoa. |
Trước đó, vào tháng 10/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch phân khu Khu du lịch Quốc gia Dankia - Suối Vàng tỷ lệ 1/2000 với diện tích gần 4.000ha, mục tiêu cụ thể hoá các đồ án quy hoạch chung của huyện Lạc Dương, TP.Đà Lạt và toàn tỉnh Lâm Đồng theo quyết định của Thủ tướng; phấn đấu đưa nơi đây thành điểm đến tầm cỡ quốc tế.
Vài tháng sau, Sasco có văn bản cho rằng đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng đã chồng ranh Dự án Khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Và đề nghị Lâm Đồng hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc chồng lấn ranh quy hoạch dự án, chấp thuận chủ trương cho Sasco tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Suối Hoa.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao các Sở, Ngành liên quan kiểm tra, rà soát và đi đến kết luận nêu trên. Điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch là điều kiện tiên quyết để tiếp tục triển khai dự án trễ hẹn này.
Xảy ra hai vụ phá rừng
Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa có diện tích hơn 131ha, trong đó phần lớn là đất rừng thuộc P.7, TP.Đà Lạt, được UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi và giao đất cho Sasco làm chủ đầu tư từ năm 2008.
Kết luận Thanh tra tại ACV năm 2018 nhắc đến những vấn đề của Sasco tại dự án Khu du lịch sinh thái Suối Hoa. |
Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ điểm tên trong thông báo kết luận thanh tra tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vào năm 2018: “Sasco được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê 131ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng không triển khai…
Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo thu hồi dự án vì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng là của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay (2018) chưa được các cơ quan liên quan thực hiện…. Sasco chưa thực hiện đúng quy định trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, chưa nộp tiền thuê đất (2001-2016)…”.
Đến năm 2020, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó yêu cầu rà soát, chấm dứt hoạt động, thu hồi đất hàng chục dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không triển khai đầu tư, để đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích….
Thực hiện kết luận thanh tra, UBND Lâm Đồng giao cho các Sở, Ngành kiểm tra, rà soát các dự án bị điểm tên. Trong văn bản được ban hành vào tháng 3/2021 của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng về cung cấp các nội dung liên quan dự án Khu du lịch sinh thái Suối Hoa của Sasco, có nêu:
“Năm 2020, trên diện tích thực hiện dự án, công ty để xảy ra hai vụ vi phạm Luật lâm nghiệp: Vụ khai thác rừng trái pháp luật trên diện tích thực hiện dự án của công ty với trữ lượng lâm sản bị thiệt hại là 1,980m3 gỗ tròn thông 3 lá, chưa phát hiện đối tượng… Hạt kiểm lâm Đà Lạt đã tịch thu tang vật…;
Vụ khai thác rừng trái pháp luật với 31 cây thông 3 lá - nhóm 4, thiệt hại 22,976m3 gỗ tròn. Hạt kiểm lâm Đà Lạt đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Lạt điều tra xử lý theo thẩm quyền…”.
Sở Kế hoạch Đầu tư Lâm Đồng 3 lần yêu cầu Sasco khắc phục sai phạm về quản lý bảo vệ rừng, đất đai. |
Trong văn bản thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng năm 2022 trên diện tích đất thuê để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Suối Hoa của Sở này cho thấy: “Diện tích đất có rừng năm 2022 giảm 22,68ha so với diện tích đất có rừng năm 2008, tương ứng với diện tích đất chưa có rừng năm 2022 tăng 22,68ha so với diện tích đất chưa có rừng năm 2008”.
Sasco “có trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng trên diện tích rừng bị mất; Lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án đầu tư theo đúng trình tự, quy định; Tổ chức trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng; trồng bổ sung cây lâm nghiệp, cây xanh,… trên các đám đất trống nằm xen trong diện tích đất có rừng để nâng cao tỷ lệ che phủ, chất lượng rừng và tạo cảnh quan trong khu vực dự án”, văn bản nêu.
Cùng năm 2022, Sở Kế hoạch Đầu tư Lâm Đồng có văn bản gửi Sasco, nêu: “Sở 3 lần yêu cầu Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất khẩn trương khắc phục triệt để sai phạm về quản lý bảo vệ rừng, đất đai, báo cáo kết quả xử lý, khắc phục hậu quả và cam kết tiến độ. Tuy nhiên đến nay, Sở chưa nhận báo cáo của Công ty về thực hiện các nội dung trên.
Đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất khẩn trương, nghiêm túc thực hiện…, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 6/5/2022. Quá thời hạn nêu trên, trường hợp Công ty không báo cáo kết quả khắc phục vi phạm và cam kết tiến độ xem như Công ty không có nhu cầu tiếp tục triển khai dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định”.
Không chỉ tại Lâm Đồng, các dự án khác của Sasco ở Kiên Giang cũng dính nhiều vấn đề. |
Đến thời điểm hiện tại (12/2023), UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra yêu cầu đối với dự án này, như đã nêu ở phần đầu bài viết.
Kiên Giang thu hồi dự án của Sasco
Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành có kết luận thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án...; trong đó, Sasco góp mặt với Khu nghỉ dưỡng Sasco – Bà Kèo tại P.Dương Đông, TP.Phú Quốc.
Đối với 16 dự án chậm triển khai, tỉnh Kiên Giang giao Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc rà soát, đối chiếu quy định pháp luật hiện hành, làm việc với các nhà đầu để xem xét cho tiếp tục thực hiện. Trong đó, có dự án Khu khách sạn và căn hộ Sasco Phú Quốc và Khu du lịch sinh thái Bắc Vũng Bầu do Sasco làm chủ đầu tư được chấp thuận từ năm 2008.
Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất do ông Nguyễn Hạnh (còn gọi là Johnathan Hạnh Nguyễn) làm Chủ tịch HĐQT. Cơ cấu cổ đông gồm: Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam sở hữu 49,07%, 3 cổ đông chiến lược đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC), tổng tỷ lệ sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là 45,26%. Số còn lại thuộc về các cổ đông khác.