Chuyến đi của bà Merkel tới Nga xảy ra trùng với sự kiện ông Alexei Navalny bị đầu độc vào một năm trước, vụ việc này đã làm căng thẳng quan hệ Nga-Đức.
Ông Navalny đã được bay đến Đức để điều trị vào năm ngoái sau khi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh quân sự, theo truyền thông phương Tây. Chính quyền Moscow sau đó bác bỏ cáo buộc âm mưu ám sát ông Navalny và cho rằng đây là một chiến dich bôi nhọ của các chính phủ phương Tây.
Ngay sau khi trở về Nga, ông Navalny đã bị đưa ra xét xử và bỏ tù.
"Chúng tôi đã nói về tình trạng tồi tệ của Alexei Navalny", Thủ tướng Đức phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thảo luận với Tổng thống Putin. "Tôi đã yêu cầu tổng thống một lần nữa trả tự do cho Navalny và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc".
Trong khi đó, ông Putin bác bỏ yêu cầu của Thủ tướng Merkel, đồng thời không nêu đích danh Navalny mà chỉ đề cập là "đối tượng".
"Về đối tượng được đề cập, ông ta không bị kết án vì các hoạt động chính trị của mình, mà vì tội chống lại các đối tác nước ngoài", ông Putin nhắc đến các cáo buộc tham ô của ông Navalny. “Không ai nên núp sau các hoạt động chính trị để thực hiện các dự án kinh doanh, trong khi vi phạm pháp luật".
Trong cuộc hội đàm kéo dài gần 3 giờ, hai nhà lãnh đạo cho biết họ cũng đã thảo luận về tình hình tại Afghanistan, Libya và đường ống Nord Stream 2 từ Nga đến Đức.
Về vấn đề Afghanistan, Tổng thống Putin cho biết Nga không quan tâm đến kết quả chiến dịch quân sự của Mỹ ở đó và điều quan trọng là phải thiết lập mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Afghanistan.
Mối quan hệ giữa Merkel và Putin, hai trong số các nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của châu Âu, trở nên tồi tệ vào năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine và tiếp theo đó là vụ đầu độc ông Navalny.
Bà Merkel sẽ từ chức Thủ tướng Đức sau cuộc bầu cử ngày 26/9, qua đó chấm dứt 16 năm tại vị liên tiếp, trong khi ông Putin, người đã nắm quyền hơn hai thập kỷ, nhiều khả năng sẽ tham gia cuộc bầu cử năm 2024.