Trong một bài phát biểu đại diện cho Giám đốc của UNESCO phụ trách khu vực Đông Phi Hubert Gijzen tại diễn đàn về củng cố năng lực chống buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa, bà Misako Ito - Cố vấn Truyền thông và thông tin của UNESCO tại châu Phi - cho biết việc xuất khẩu bất hợp pháp các hiện vật mang giá trị văn hóa đã diễn ra trong suốt lịch sử của lục địa này, dưới nhiều hình thức và những mục đích khác nhau. Theo đánh giá của UNESCO, đây là "những mối đe dọa về lâu dài đối với bản sắc, lịch sử và ký ức của các dân tộc châu Phi".
Được tổ chức tại thủ đô Nairobi của Kenya, diễn đàn kéo dài 5 ngày này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Công ước 1970 về các biện pháp ngăn ngừa nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao quyền sở hữu tài sản văn hóa một cách bất hợp pháp.
Tại diễn đàn, bà Ito kêu gọi tất cả các bên liên quan tham gia bảo vệ di sản phong phú của châu Phi, do những tác phẩm nghệ thuật và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của các cộng đồng tại nơi chúng được tạo ra. Bà Ito cho biết hiện 8 quốc gia Đông Phi gồm Comoros, Djibouti, Ethiopia, Madagascar, Mauritius, Rwanda, Seychelles và Tanzania đã phê chuẩn Công ước 1970 nói trên.
Trong khi đó, bà Peninah Malonza - quan chức thuộc Bộ Du lịch, Động vật hoang dã và Di sản của Kenya - cho rằng đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm nạn buôn bán tài sản văn hóa bất hợp pháp ở khu vực Đông Phi, cũng như làm gia tăng những thách thức hiện nay bao gồm cướp bóc quy mô lớn và giao dịch trực tuyến bất hợp pháp.
Theo bà Malonza, Kenya đang đẩy nhanh việc phê chuẩn Công ước năm 1970, nhấn mạnh rằng việc phê chuẩn công ước này sẽ giúp củng cố hơn nữa vai trò và sự đóng góp trong lĩnh vực văn hóa nhằm hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.