Phát biểu trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng giáo dục tại Liên hợp quốc (LHQ), dự kiến diễn ra vào ngày 19/9, một ngày trước khi diễn ra tuần lễ cấp cao của kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 77, bà Yasmine Sherif - người đứng đầu Quỹ Education Cannot Wait của LHQ tập trung vào giáo dục ở các khu vực khủng hoảng, khẳng định thật khó có thể tưởng tượng việc "trẻ em mất đi mọi thứ, và hơn hết là mất quyền tiếp cận với nền giáo dục chất lượng". Quỹ Education Cannot Wait ước tính hiện có khoảng 222 triệu trẻ em trên khắp thế giới bị gián đoạn việc học tập do xung đột hoặc các thảm họa liên quan đến khí hậu, trong đó có gần 80 triệu trẻ chưa bao giờ bước chân đến trường học.
Kể từ năm 2016, Education Cannot Wait đã huy động hơn 1 tỷ USD để xây trường học và mua sắm trang thiết bị giáo dục, cũng như cung cấp các bữa ăn hàng ngày và dịch vụ tâm lý. Quỹ cũng đã hỗ trợ được gần 7 triệu trẻ tại 32 quốc gia. Tuy nhiên, bà Sherif cho rằng tình huống khẩn cấp hiện nay yêu cầu phải có nỗ lực lớn hơn.
Theo bà Sherif, hiện một số nước châu Âu chi trung bình khoảng 10.000 USD/năm để giáo dục 1 trẻ nhỏ, nên trong khi nếu trẻ em tại các vùng xung đột nhận được mỗi em 150 USD/năm, thì điều này cũng đã cho thấy một sự bất bình đẳng khá lớn. Không chỉ vậy, tại các nước diễn ra xung đột, trường học không những bị phá hủy mà còn biến thành các kho vũ khí.
Dự kiến, sau hội nghị thượng đỉnh về giáo dục, Education Cannot Wait sẽ tổ chức một diễn đàn ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 2/2023. Tại đây, quỹ dự định tìm kiếm thêm 1,5 tỷ USD nhằm có thể hỗ trợ thêm 20 triệu trẻ. Theo bà Sherif, việc thiếu giáo dục sẽ mang đến những hậu quả tức thì, với nhiều trẻ phải lang thang trên đường phố, đối mặt với các mối đe dọa bạo lực, buôn người, bị các nhóm vũ trang tuyển mộ hoặc các bé gái sẽ bị ép kết hôn. Do đó, chỉ khi được học hành, trẻ mới có thể thoát ra khỏi những nguy cơ trên và có cuộc sống thực sự khác biệt.