Trong một báo cáo được công bố trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 24 ở Ba Lan, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chỉ ra rằng 20 năm ấm nhất trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện trong 22 năm qua và năm 2018 xếp thứ 4 trong danh sách này.
"Điều này có nghĩa là 4 năm qua - 2015, 2016, 2017 và 2018 - cũng là 4 năm ấm nhất trong lịch sử", cơ quan thuộc LHQ cho biết trong báo cáo về tình hình khí hậu năm nay.
"Xu hướng nóng lên là hiển nhiên và sẽ còn tiếp tục", giám đốc WMO Petteri Taalas nói với các phóng viên tại Geneva.
Báo cáo cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng trong 10 tháng đầu năm qua là gần 1,0 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Thế hệ cuối cùng
"Điều đáng nói lại là chúng ta là thế hệ đầu tiên hiểu đầy đủ về biến đổi khí hậu và thế hệ cuối cùng để có thể làm điều gì đó", ông Taalas cảnh báo.
Với mức khí nhà kính trong bầu khí quyển - nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, ở mức cao kỷ lục, "nhiệt độ sẽ tăng từ 3 đến 5 độ C vào cuối thế kỷ này", giám đốc WMO tuyên bố.
"Nếu chúng ta khai thác tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ sẽ tăng cao hơn đáng kể", ông Taalas kết luận.
Các đoàn đại biểu từ gần 200 quốc gia sẽ đến Ba Lan vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 24, nhằm đổi mới và xây dựng thỏa thuận Paris và hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã nỗ lực thổi một luồng sinh khí mới cho thỏa thuận với sự tham gia của 195 quốc gia, trong bối cảnh một số nước mà tiêu biểu là Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận.
Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực vào năm 2020 và kêu gọi hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu thấp hơn 1,5C so với mức tiền công nghiệp.
Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 3 độ C
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu đang đi đúng lộ trình để tăng thêm 3 độ C vào năm 2100 và thúc giục các chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu để kiềm chế hiện tượng này.
"Việc chỉ tăng thêm 1 độ C có thể tạo ra sự khác biệt cho sức khỏe con người và với thực phẩm và nước ngọt, gây ra sự tuyệt chủng đối với động và thực vật, sự tồn tại của các rạn san hô và sinh vật biển", phó giám đốc WMO - bà Elena Manaenkova, nhấn mạnh trong một tuyên bố .
"Nó tạo ra sự khác biệt về năng suất kinh tế, an ninh lương thực và khả năng phục hồi của các cơ sở hạ tầng và thành phố của chúng ta.
Nó tạo ra sự khác biệt về tốc độ của sự tan băng và nguồn cung cấp nước, cũng như tương lai của các vùng đất thấp và ven biển", bà Manaenkova khẳng định.