Trước diễn biến nóng ở các địa phương, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, kết luận một số vi phạm, các địa phương đã bước đầu xử lý và đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh ngay nạn lạm thu tiền trường.
Những tưởng sau hàng loạt động thái trên, “cơn sốt” lạm thu của năm học 2017-2018 sẽ hạ nhiệt, nhưng không, gần một tuần sau, báo chí lại tiếp tục đưa tin một số nhà trường ở TP.HCM, Thanh Hóa… bị phụ huynh phản đối vì lạm thu.
Đặc biệt, căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm tại Thanh Hóa, khi nhiều phụ huynh có con em học tại trường Mầm non xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) đồng loạt cho con nghỉ học để “đấu tranh” với các khoản thu vô lý của nhà trường. Trường có 15 lớp với 470 học sinh, nhưng ngày 26-9, chỉ 180 em đi học. Đáng buồn, đây không phải lần đầu tiên học sinh phải nghỉ học vì bố mẹ đấu tranh chống lạm thu. Hiện tượng này từng xảy ra ở Hà Tĩnh, Nghệ An những năm trước.
Trước hết, phải khẳng định là hành vi cản trở, không cho con đến trường để phản đối lạm thu của các bậc phụ huynh ở Thanh Hóa là trái quy định của pháp luật, vi phạm quyền trẻ em. Bởi, Luật Trẻ em đã nêu rõ: “Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập”.
Chưa kể, việc trẻ không được tới trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập cũng như sự phát triển sau này của các em và cả tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Rõ ràng, việc dùng trẻ em làm công cụ để phản đối bất kỳ một sự việc nào là cách làm không thể chấp nhận được. Đây là phản ứng quá khích và các phụ huynh không nên chọn cách thức tiêu cực này để “đấu tranh”.
Tuy các vị phụ huynh đã sai nhưng cái sai này lại xuất phát từ việc làm trái quy định của các nhà trường. Điều đáng lo là báo chí nói nhiều như thế, Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh mà sao các trường vẫn bỏ ngoài tai?
Với trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình, Bộ GD-ĐT đã triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng như thế nào, tại sao lại vẫn để “cơn sốt” lạm thu tăng nhiệt sau khi đã được nhắc nhở trực tiếp?
Gần 1 tháng nay, ngoài việc kiểm tra một số điểm nóng, Bộ và các Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm soát các nhà trường như thế nào mà vẫn để nạn lạm thu hiện diện khắp nơi? Có phải Bộ đã “khoán trắng” cho các nhà trường “tự chủ” trong lĩnh vực này? Không hề quá khi nói rằng, bộ máy quản lý của ngành giáo dục đã bị động, thậm chí bất lực trước nạn lạm thu trong năm học này.
Dư luận không thể hài lòng với cách chỉ đạo, điều hành của Bộ GD-ĐT trước một vấn đề bức xúc xã hội dạng “đến hẹn lại lên” như lạm thu tiền trường. Người dân có quyền đòi hỏi Bộ GD-ĐT không được né tránh trách nhiệm mà phải đưa ra giải pháp chấm dứt bằng được nạn lạm thu trong những năm học tiếp theo.
Theo ANTĐ