Cách đây 7 năm, khi tốt nghiệp xong bác sĩ nội trú mình bị stress với áp lực công việc nặng nề ở trung ương nên lúc đó quyết chí về quê xin việc.
Về quê, mình xin vào khoa hồi sức và được ưu ái nhấc lên trực cột 1. Ngày đi làm đầu tiên, chân ướt chân ráo vào viện, ban giám đốc phân công luôn cùng anh trưởng khoa hồi sức phát triển đơn nguyên thận nhân tạo. Máy lọc máu đã có đủ, chỉ thiếu mỗi người.
Quá trình chuẩn bị về người và trang thiết bị mất rất nhiều thời gian. Mình vốn cẩn thận nên cái gì cũng bảo chưa được, chưa được, phải thêm cái nọ thêm cái kia. Đến độ ban giám đốc phát ngán cả lên, vì cái gì cũng động đến tiền, xin thì khó.
Lọc máu, liên quan đến bệnh nhân có bệnh mạn tính giai đoạn cuối, cái máy sẽ làm việc thay quả thận nhưng không hoàn toàn sinh lý như bình thường, nên nguy cơ tai biến luôn tiềm ẩn, KHÔNG thể tránh, chỉ có thể hạn chế được thôi. Trước những năm 2000, khi máy thận nhân tạo chưa phát triển ở Việt Nam. Những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đều trả về để chết.
Mình nói chuyện với anh trưởng khoa hồi sức, giờ đã là bạn rất thân với mình, là chạy thì vẫn chạy được, nhưng càng cẩn thận bao nhiêu thì sau này càng sướng bấy nhiêu, giảm thiểu nguy cơ tai biến. Bởi có tai biến thôi là mất thêm bao nhiêu công sức mệt mỏi. Anh ờ.
Cũng xảy ra vài vụ tranh luận gay gắt trong các buổi họp, cuối cùng cũng xong. Mình đề nghị mời bác sĩ bên Việt Đức cùng khoa thận bên đó về giúp đỡ. Hồi đó mình đã có ý định xin lắp thêm cái loa nghe nhạc không lời đặt trên trần cho bệnh nhân nằm lọc máu đỡ căng thẳng nhưng không được.
Rồi vì nhiều lý do, mình không tiếp tục làm việc ở nhà nữa mà ra Hà Nội công tác. Các đồng nghiệp tại bệnh viện cơ sở giờ thành bạn bè của mình hết. Đơn vị thận nhân tạo đã tách ra thành khoa riêng và hoạt động rất tốt. Anh trưởng khoa là người rất cẩn thận và cũng quyết liệt trong việc yêu cầu trang thiết bị cùng quy trình làm việc. Nhưng anh khéo léo hơn mình.
Từ đó đến giờ, chưa có 1 case tai biến nào nghiêm trọng.
Vừa đọc thấy tin tai biến 18 bệnh nhân lọc máu ở 1 nơi khác mà khủng khiếp quá. Nguyên nhân do đâu thì phải chờ điều tra mới biết bởi quy trình lọc máu vốn hết sức phức tạp, người lọc máu cũng đã mong manh với nguy cơ đột tử bết kể lúc nào. Ngay cả con người trực tiếp làm chúng cũng không thể lường trước hết. Nên mìn chả võ đoán.
Mỗi khi tai biến xảy ra, vấn đề ở chỗ chúng ta có đủ năng lực để xử lý 1 cách chuyên nghiệp hay không mà thôi. Thầy mình bảo, làm ngành y, chỉ có không làm gì mới không có nguy cơ.
Cái kinh khủng, là những bệnh nhân còn lại vẫn phải tiếp tục gắn với những chiếc máy lọc máu. Các nhân viên vẫn phải làm việc dù họ đang bị cú sốc rất lớn. Cả 2 phía đều bị ám ảnh với nguy cơ tai biến rơi vào đầu bất kể lúc nào. Sự khắc khoải đó mới là đáng sợ.
BS. Ngô Đức Hùng/Theo Sức Khỏe & Đời Sống