Trong lịch sử chính trường Nhật Bản, đã có tổng cộng 3 đời Thủ tướng từng vướng phải những lùm xùm hoặc làn sóng chỉ trích sau khi Thế vận hội Olympic kết thúc. Nếu như lịch sử một lần nữa lặp lại, Thủ tướng đương nhiệm Suga Yoshihide khó có thể tại vị lâu dài.
Với ưu tiên đảm bảo sự an toàn cho người dân, ông Suga đã quyết định cấm khán giả đến các địa điểm thi đấu Olympic. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng với đó là số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng, đã buộc chính phủ Nhật Bản phải tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 6 khu vực lân cận.
Trong bối cảnh xã hội Nhật Bản gặp nhiều biến động, ông Thủ tướng Suga đang nỗ lực hết sức để khôi phục tín nhiệm và tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ tới với tư cách là lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào cuối tháng 9 năm nay.
Đảng cầm quyền LDP hiện hứng chịu không ít các cuộc tấn công từ phe đối lập, yêu cầu một cuộc tổng tuyển cử sẽ phải được tổ chức trước mùa thu.
Tổng cộng, Nhật Bản đã đăng cai tổ chức 4 kỳ Thế vận hội Olympic. Nhưng sau khi kết thúc mỗi kỳ vận hội ấy, công chúng trong nước đều chứng kiến sự ra đi của một Thủ tướng. Điều này đặt ra một quan ngại rằng: liệu Thủ tướng Yoshihide Suga có thể hoá giải được “lời nguyền hậu Olympic” hay không?
Vào tháng 10 năm 1964, một ngày sau khi Thế vận hội đầu tiên được Nhật Bản tổ chức bế mạc tại Tokyo, Thủ tướng Ikeda Hayato đã tuyên bố từ chức để có thời gian chăm sóc sức khoẻ bản thân.
Thủ tướng Ikeda Hayato đã thông báo từ chức chỉ 1 ngày sau khi bế mạc Thế vận hội 1964. Ảnh: Kyodo và Nikkei |
Cố Thủ tướng Ikeda đã triển khai chiến lược tận dụng các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ cho kỳ Olympic để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng một tháng trước khi Thế vận hội bắt đầu, ông Ikeda được chẩn đoán mắc ung thư và phải đến bệnh viện điều trị.
Ông đã cố gắng rời giường bệnh để đến tham dự lễ khai mạc, nhưng sau khi Thế vận hội kết thúc, ông đã phải tuyên bố từ chức ngay vì tình trạng sức khoẻ ngày một yếu.
Tháng 2 năm 1972, Nhật Bản đứng ra tổ chức kỳ Thế vận hội mùa đông đầu tiên tại Sapporo.
Tuy nhiên gần 5 tháng sau khi sự kiện kết thúc, Thủ tướng Sato Eisaku – người kế nhiệm ông Ikeda, cũng đã quyết định rời khỏi chính trường sau 8 năm cầm quyền.
Nhật Bản cũng từng đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông Nagano vào tháng 2/1998 dưới thời Thủ tướng Hashimoto Ryutaro. Sự kiện này cũng chính là dấu ấn cuối cùng của chính quyền Hashimoto. Thủ tướng Hashimoto đã từ chức sau khi đảng của ông thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử vào tháng 7 năm đó.
Thủ tướng Sato Eisaku kết thúc nhiệm kỳ gần 8 năm của mình vào tháng 7 năm 1972, gần 5 tháng sau Thế vận hội Sapporo. Ảnh: Kyodo và Nikkei |
Ông Hashimoto cho rằng việc thuế tiêu thụ tăng từ 3% lên 5% vào tháng 4/1997 đã khiến cho công chúng phản ứng dữ dội, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của đảng LDP trong cuộc bầu cử năm 1998.
Một số chuyên ra nhận định rằng, các kỳ Olympic có thể được xem như là cơ hội để nước chủ nhà cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông vận tải trong quá trình xây dựng các địa điểm thi đấu, nhưng cũng là mối nguy cơ dễ dẫn đến suy thoái kinh tế.
Điều này đã từng xảy ra với Nhật Bản, khi nước này phải trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm 1965, một năm sau khi Olympic 1964 khép lại.
Vào tháng 11 năm 1997 – ngay sau khi Olympic Nagano kết thúc, Nhật Bản một lần nữa phải trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng khi Ngân hàng Hokkaido Takushoku và Công ty chứng khoán Yamaichi sụp đổ, khiến cho hệ thống tài chính nước này điêu đứng.
Thủ tướng Hashimoto Ryutaro đã bị buộc phải từ chức sau khi thất bại trong cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 năm 1998, khoảng 5 tháng sau khi Thế vận hội Nagano được tổ chức. Ảnh: Nikkei |
Kỳ Thế vận hội lần này được dự kiến tổ chức vào năm 2020 dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo. Một số người khi đó đã đồn đoán rằng ông Abe sẽ từ chức sau khi Thế vận hội diễn ra thành công tốt đẹp và có thời gian đương nhiệm dài hơn người chú của mình là Thủ tướng Sato.
Việc tổ chức thành công kỳ Olympic Tokyo 2020 sẽ được coi là cái kết trên đỉnh vinh quang cho ông Abe. Nhưng đại dịch đã khiến kế hoạch đổ bể và ông Abe cũng đã từ chức trước khi Olympic diễn ra vì sức khỏe suy yếu.
Mặc dù nhiều người vẫn luôn đồn đoán về “lời nguyền hậu Olympic”, thế nhưng những diễn biến sau 3 kỳ Thế vận hội do Nhật Bản đăng cai đều không có cùng lý do.
“Ông Ikeda có thể sẽ tiếp tục tại nhiệm nếu không vì vấn đề sức khỏe cá nhân. Quyết định của Thủ tướng Sato thì lại bắt nguồn từ những bất đồng trong nội bộ đảng về người kế nhiệm, còn ông Hashimoto lại không thể bảo vệ đảng của mình trước những sự phản đối từ việc tăng thuế tiêu thụ", ông Masuyama Mikitaka - giảng viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, phân tích về "lời nguyền".
Ông Masuyama cũng nhấn mạnh rằng các quyết định từ chức bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau và vô tình nó lại trùng với thời điểm khi các kỳ Olympic kết thúc.
Điều này có lẽ đúng bởi sau khi Hàn Quốc đăng cai Olympic Pyeongchang 2018 và Nga đứng ra tổ chức Olympic Sochi 2014, Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Vladimir Putin đều tiếp tục tại nhiệm.
Thế nhưng, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã rời nhiệm sở sau khi Olympic Rio 2016 kết thúc, còn cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cũng đã từ chức khi Olympic Turin 2006 khép lại và gặp thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sau đó.
Nhiều người đã bày tỏ mối quan ngại về tình hình chính trị Nhật Bản sau kỳ Olympic Tokyo 2020.
Thủ tướng Suga Yoshihide mới chỉ nhậm chức được chưa đầy một năm, ông vẫn chưa thể hiện được nhiều trước người dân Nhật Bản. Và trong bối cảnh phải tổ chức một kỳ Thế vận hội không khán giả, việc kỳ vọng ông Suga có thể chứng tỏ được một điều gì đó cũng là hết sức viển vông.
Theo một khảo sát của tờ Nikkei trong tháng 7, mức độ tín nhiệm đối với nội các của Thủ tướng Suga đã giảm xuống con số 34% – mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Dù vậy, nhưng trong nội bộ đảng LDP cũng không khởi phát phong trào "hạ bệ Suga". Người kế nhiệm ông Abe được cho là cũng sẽ không gặp phải bất cứ đối thủ nội bộ nào trong cuộc tranh cử sắp tới.
“Nếu kỳ Olympic diễn ra tốt đẹp và thái độ từ phía công chúng tích cực hơn, đó sẽ là một điểm cộng cho Thủ tướng Suga. Thế nhưng những làn sóng chỉ trích việc tổ chức sự kiện này, và diễn biến tình hình dịch bệnh và tốc độ của chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ là những điểm trừ", ông Masuyama nhận định.
Vào ngày 7/7, Tổng thư ký đảng LDP Nikai Toshihiro đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Suga và bày tỏ sự ủng hộ với nhà lãnh đạo 72 tuổi. “Chính trị và biến động chính trị - mọi thứ đều xoay quanh vaccine. Hãy cố gắng làm thực hiện hiệu quả mọi chiến lược", Tổng thư ký Nikai nhắn nhủ.
Tại quận Nagatacho của thủ đô Tokyo đã xuất hiện rất nhiều những lời đồn xoay quanh sự kiện bầu cử và chuyển giao quyền lực như: “Nội các, vốn kế nhiệm một chính phủ nắm quyền trong thời gian dài, sẽ không tồn tại được lâu” hay "Cứ 9 năm một lần, đảng LDP sẽ thua cuộc bầu cử thượng viện".
Có rất ít cơ sở cho thấy những luận điểm này đáng tin cậy bởi dù là thống kê trong quá khứ, mọi thứ vẫn sẽ có xác suất sai số.
Dù vậy, những lời đồn có phần mê tín này vẫn nói lên nhiều điều về sự khắc nghiệt của chính giới Nhật Bản, nơi mà vận may của một người có thể thay đổi chỉ trong một giây. Nhiều chính trị gia vẫn luôn dựa vào những thống kê trong quá khứ để có thể phán đoán được cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường.
Trong tháng 7 vừa qua, lời nguyền về biến động chính trị hậu Olympic đã liên tục được nhắc đến. Cuộc bầu cử hạ viện và trong nội bộ đảng LDP đều sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay và một cuộc bầu cử ở thượng viện sẽ được tổ chức vào mùa hè năm sau.
Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng chính trường Nhật Bản trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều sóng gió.