"Tôi biết có những người chống lại Thế vận hội. Nhưng ngay cả khi tôi không muốn nhìn thấy những bình luận như vậy, nó vẫn xuất hiện trước mắt tôi", Murakami nói. "Điều đó thực sự rất khó chịu. Đại dịch thực sự tạo ra sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và chống lại Thế vận hội".
Nhiều vận động viên Nhật Bản đã phải đối mặt với các bình luận thù hận và bằng nhiều cách, họ đã đáp trả lại đám đông quá khích. Đoàn thể thao Nhật Bản đã giành được 17 huy chương vàng, xếp thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc. Đây là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của thể thao Nhật Bản, dù Olympic Tokyo 2020 vẫn chưa đi được nửa chặng đường.
Nhiều vận động viên Nhật Bản trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận chỉ vì tham gia hoặc thi đấu không tốt tại Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: The Washington Post |
Chiến thắng ở môn thể dục dụng cụ của nam vận động viên Hashimoto Daiki, ở môn judo của hai anh em Abe Uta và Hifumi cũng như chiến thắng “thần kỳ” ở môn bóng bàn trước tay vợt đáng gờm Trung Quốc của Ito Mima và Mizutani Jun đã khiến nhiều khán giả Nhật Bản tự hào.
Đáng chú ý, vận động viên trượt ván Nishiya Momiji cũng đã làm nên lịch sử khi giành được huy chương vàng Olympic ở tuổi 13.
“Tôi hy vọng rằng mỗi vận động viên làm việc chăm chỉ với tư cách là đại diện cho đất nước của họ sẽ được công nhận và sẽ có ít người bày tỏ những bình luận thù hận hơn”, vận động viên Hashimoto Daiki chia sẻ sau khi giành huy chương vàng.
Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra mặt tối trong quan niệm của xã hội Nhật Bản, khi chủ đề sức khỏe tâm thần luôn bị kỳ thị, còn các vận động viên luôn bị mặc định phải có thể chất cùng tinh thần mạnh mẽ, cứng rắn.
Nhà nghiên cứu tâm lý thể thao Horikawa Masami cho biết: “Thực sự rất khó để các vận động viên đứng ra công khai về vấn đề sức khỏe tâm thần, hoặc nói rằng họ không khỏe hay không ổn định về tinh thần”.
Vận động viên thể dục dụng cụ Hashimoto Daiki ăn mừng sau khi giành huy chương vàng trong trận chung kết toàn năng. Ảnh: Getty Images |
“Không phải áp lực nào cũng là xấu, nhưng là một nét văn hóa, người Nhật Bản mong đợi rằng các cá nhân có thể hoàn thành mọi việc, và chủ nghĩa hoàn hảo được xem như một nét đẹp", bà Horikawa chỉ ra. "Văn hóa của chúng tôi mong đợi và khen ngợi những cá nhân có thể tự mình thành công mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào".
Trong tuần qua, vấn nạn kỳ thị sức khỏe tâm thần của các vận động viên lại trở thành chủ đề tranh luận trên các mạng xã hội khi tay vợt Naomi Osaka - niềm hy vọng của Nhật Bản, bất ngờ bị hạ gục ở ngay vòng ba Olympic.
Trên mạng có rất nhiều bình luận ủng hộ nữ vận động viên 23 tuổi này, nhưng cũng có không ít bình luận thiếu thiện cảm.
“Nếu cô thực sự chán nản như truyền thông nói, thì thái độ của cô chẳng khác gì một đứa trẻ”, một độc giả nhận xét trên Yahoo Japan. “Cô không muốn trả lời câu hỏi khi tâm trạng không vui. Cô không nên lợi dụng chứng trầm cảm như một lá chắn để thoát khỏi những điều bất tiện".
Dù được khán giả Nhật Bản đặt kỳ vọng rất lớn, nhưng tay vợt nữ Naomi Osaka không thể lọt vào tứ kết Olympic Tokyo 2020. Ảnh: The Washington Post |
Nhìn lại kỳ Thế vận hội Tokyo 1964, các vận động viên nước chủ nhà cũng phải đối mặt với không ít áp lực khi thi đấu, trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản muốn người dân thoát khỏi tâm lý bại trận và tự hào về đất nước.
Vì vậy, khi vận động viên marathon người Nhật Bản Tsuburaya Kokichi bước vào Sân vận động Quốc gia trong ngày thi đấu cuối cùng, đám đông đã òa lên trong niềm vui sướng điên cuồng và hy vọng về một tấm huy chương điền kinh đầu tiên trong lịch sử. Trái với kỳ vọng của các cổ động viên Nhật Bản, Tsuburaya đã bị đối thủ Basil Heatley của đội tuyển Vương quốc Anh giật mất tấm huy chương bạc.
Bị ám ảnh với thất bại, Tsuburaya đã tự sát vào 4 năm sau đó, ngay cả khi đã qua đời tay anh vẫn nắm chặt tấm huy chương đồng Olympic.
Kỳ Thế vận hội lần này, các vận động viên đã tranh tài mà không có sự cổ vũ của khán giả trên sân vận động. Điều này có thể phần nào giúp họ cởi bỏ được phần nào áp lực khi phải thi đấu tại quê nhà và có được những màn trình diễn ấn tượng.
Ngoài những vinh quang, thế giới thể thao tồn tại không ít vấn nạn. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, tổ chức Human Rights Watch chỉ ra rằng nhiều vận động viên đã bị lạm dụng thể chất, tình dục trong quá trình luyện tập. Việc phải chịu đựng những hành vi này trong nhiều năm đã khiến không ít vận động viên mắc chứng trầm cảm và dẫn đến tự tử.
Vào năm 2018, vận động viên 17 tuổi Araya Tsubasa trước khi tự sát đã để lại một mảnh giấy ghi: "Bóng chuyền là môn khắc nghiệt nhất".
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Olympic Quốc tế đã bố trí các chuyên gia tư vấn tâm lý và đường dây trợ giúp bằng 70 ngôn ngữ cho các vận động viên trong Làng Olympic.
Năm ngoái, Ủy ban Olympic Nhật Bản đã khảo sát gần 1.000 vận động viên và phát hiện ra rằng hơn 40% đang cảm thấy chán nản hoặc trầm cảm.
Chủ tịch ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 Hashimoto Seiko cho biết bà “hoàn toàn đau lòng” trước vấn nạn lạm dụng các vận động viên.
"Tôi nên là người bị chỉ trích thay vì là các vận động viên", bà Hashimoto tuyên bố hồi tháng 5. “Tôi không thể chấp nhận được việc các cá nhân bị yêu cầu không tham gia hoặc rút khỏi Thế vận hội. Tôi phải tạo ra một môi trường để các vận động viên có thể chuẩn bị mà không cần lo lắng".