Ngày 2/5, tân Thủ tướng Mali Boubou Cisse đã ký một thỏa thuận với một số đảng đối lập và chiếm đa số mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới.
Hãng thông tấn AFP dẫn nội dung thỏa thuận, được ký tại thủ đô Bamako, nêu rõ "phe đối lập và phe chiếm đa số đã thể hiện sẵn sàng cho việc thành lập một chính phủ gồm nhiều thành phần chính trị," theo đó họ đã nhất trí "thành lập một chính phủ mới."
Tuy nhiên, đảng đối lập Liên minh vì nền cộng hòa và dân chủ (URD) của ông Soumaila Cisse, ứng cử viên Tổng thống thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018, không tham gia ký thỏa thuận trên.
Ngày 22/4 vừa qua, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Boubou Cisse, 41 tuổi, làm tân Thủ tướng với nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới nhằm ngăn chặn tình trạng xung đột tại quốc gia châu Phi này.
Trước đó, người tiền nhiệm của ông Cisse là Thủ tướng Malm Soumeylou Boubeye Maiga cùng toàn bộ nội các đã từ chức hôm 18/4, vài tuần sau khi xảy ra vụ thảm sát khoảng 60 người chăn nuôi gia súc thuộc cộng đồng Fulani ở thị trấn Ogossagou, miền Trung Mali gần biên giới với Burkina Faso.
Vụ thảm sát đã gây chấn động cả nước Mali, hàng chục nghìn người đã đổ xuống các đường phố ở Bamako biểu tình phản đối tình trạng bạo lực tăng mạnh giữa các nhóm sắc tộc tại Mali khiến khoảng 600 người thiệt mạng kể từ tháng 3/2018.
Mali và nước láng giềng Burkina Faso đều phải đối mặt với tình trạng gia tăng các vụ tấn công của các nhóm vũ trang Hồi giáo đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Sahel.
Các tay súng thánh chiến được nuôi dưỡng trong sự thù địch lâu đời giữa các cộng đồng sắc tộc, kích động làn sóng xung đột bạo lực tại Mali mà đỉnh điểm là vụ thảm sát người Fulani nói trên. Mới đây nhất, ngày 21/4 vừa qua, các tay súng không rõ danh tính đã đột kích 1 căn cứ quân sự vào lúc rạng sáng (theo giờ địa phương), giết hại 11 binh sỹ./.
Tân Thủ tướng Mali Boubou Cisse đã ký một thỏa thuận với một số đảng đối lập và chiếm đa số mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới.