Roma Street Fire Station - Trạm cứu hỏa ở phố Roma
Ở Úc, có một hoạt động rất hay mà tôi rất phục các bạn Úc là họ tạo được sự thân thiện giữa người dân và các cảnh sát. Trường mẫu giáo của con tôi hàng năm đều có các cô chú cảnh sát mang xe cảnh sát tới. Các cô chú cho xem xe ô tô cảnh sát, cho vào lái xe, nghe cái còi ni-na-ni-na. (Chả hiểu sao các cô bé cậu bé ở Úc phiên âm tiếng còi xe cảnh sát là ni-na-ni-na.) Các cô chú ấy hướng dẫn các con nếu cần gọi cảnh sát thì gọi số 000 (triple zero). Vì thế khi con tôi về nhà, bố có mắng to thì dọa con sẽ gọi số 000 cho mà xem. Điều thú vị là con tôi từ đó rất quý các cô chú cảnh sát. Đi đâu cũng chào to, và đòi chụp ảnh cùng các cô chú ấy. Ngạc nhiên hơn nữa là cu cậu còn phân biệt được đâu là còi xe cảnh sát, đâu là xe cứu thương, đâu là xe cứu hỏa. Tôi thì chịu, thấy ba cái xe đó hụ còi ni-na-ni-na như nhau.
Trạm cứu hỏa ở phố Roma (Nguồn: innovativerigging) |
Nhà tôi ở cạnh ngay một con đường lớn, thỉnh thoảng lại thấy xe cứu hỏa chạy và hú còi inh ỏi. Con tôi lúc nào cũng xô cửa ra nhìn. Thời tiết ở Úc vào mùa Đông và Xuân rất khô. Thỉnh thoảng trên bản tin lại thấy cháy nhà hay cháy rừng. Ở một số khu dân cư gần rừng, họ có một bảng thông báo tình trạng khô hanh của ngày hôm đó, biểu thị từ mầu xanh đến mầu đỏ đậm. Đỏ đậm nhất là độ khô rất cao, đồng nghĩa tinh thần cảnh giác phải rất cao. Ở các nhà thuê như chúng tôi, một trong các điều khoản khi thuê nhà phải đảm bảo thay pin cho máy báo cháy. Một năm vài lần, người của trung tâm theo dõi bằng cách gửi cho chúng tôi một thông báo là họ sẽ đến kiểm tra máy báo cháy (alarm). Nếu máy báo cháy không hoạt động, chúng tôi phải trả tiền phạt tới 200 đô la. Nhà nào cũng có alarm. Thỉnh thoảng cụm dân cư còn được triệu tập để hướng dẫn cách ứng phó khi có hỏa hoạn.
Đội cứu hỏa của khu vực tôi ở là thuộc khu vực Brisbane. Họ quản lý một diện tích khoảng 5.160 km2. Bạn cứ ước lượng là rộng gấp rưỡi Hà nội. Dân cư thuộc khu vực Brisabane thì chừng 1,3 triệu người, tức là bằng khoảng 1/5 dân số Hà Nội. Họ có 36 trạm cứu hỏa trong đô thị với gần 800 nhân viên toàn thời gian và hơn 100 nhân sự bán thời gian.
Có lẽ vì những lý do này, các con tôi và bản thân tôi rất thú vị khi được đến thăm trạm cứu hỏa ở phố Roma, một trong bảy trụ sở chính của đội cứu hỏa khu vực Brisbane.
Khi chúng tôi đến trạm cứu hỏa thì đã có hàng trăm đứa trẻ khác đang sung sướng thám hiểm các xe chữa cháy và nói chuyện với các chú cảnh sát cứu hỏa bằng xương bằng thịt. Các xe cứu hỏa được bày ra. Xe được mở hết để khách tham quan có thể nhìn thấy rõ ràng những dụng cụ hai bên thành xe. Có cả các bộ đồ cứu hỏa, mũ và mặt nạ phòng ngạt của các chú. Ngoài các ống nước được gấp gọn gàng bên thành xe, các chú cảnh sát còn có các bình ô xy để mang khi vào các khu vực đang cháy. Các dụng cụ như búa, kìm cũng thấy rất rõ. Các đồ dùng được đặt gọn gàng. Một cái xe chữa cháy có biết bao nhiêu dụng cụ đi kèm. Bọn trẻ hớn hở trèo lên xe, ngồi tót vào khoang lái, chụp lên đầu cái mũ cảnh sát cứu hỏa oai vệ. Lại có cả một tua đi xung quanh trạm cảnh sát để xem các cô chú ở đây nhận lệnh và điều hành việc cứu hỏa ra sao. Được vào trạm cứu hỏa thật là một điều thú vị vì không phải lúc nào cũng được tận mắt xem các cô chú cứu hỏa làm việc thế nào.
Lũ trẻ được một cô cảnh sát cứu hỏa dán cho một cái sticker với lời dặn dò được in rõ ràng “Do not play with fire” (không được nghịch lửa) và số điện thoại 000 để gọi khi có hỏa hoạn. Thú vị nhất là có ba mầu cam, xanh lá cây và mầu xanh lơ để con nào thích mầu nào thì chọn mầu đấy. Thế là ba đứa trẻ Việt Nam nhà tôi và hàng xóm ra đường oai vệ với ba cái nhãn của lính cứu hỏa, sẵn sàng lên đường cứu thế giới.
Maritime Museum - Bảo tàng Hàng hải
Ngày Brisbane Open House, chúng tôi có thể vào thăm bảo tàng Hàng hải miễn phí. Thường thì giá vé cho người lớn là 12 đô la và trẻ con 6 đô la. Hàng năm, bảo tàng này thu hút 35.000 lượt khách tham quan. Bảo tàng mới thành lập hơn 40 năm và tự hoạt động thu chi tài chính. Bảo tàng nằm ở vị trí rất đẹp, ngay cạnh bờ sông Brisbane.
Người lớn và trẻ con bỏ ra hàng giờ để tham quan bảo tàng. Trước khi thăm bảo tàng này, thì phải nói ngay với các bạn là các con tàu ở Úc dù to hay nhỏ thì đều có tên. Và tàu thì là phụ nữ (she) dù tàu chiến thì chả có vẻ nữ tính gì cả. Trong bảo tàng, các “nàng” tàu trẻ có già có. Vào cửa bảo tàng, đón du khách là một cô nàng mầu hồng tên là Ella’s trông rất nữ tính (Ella’s Pink Lady).
Ngay lập tức là đến với một tàu chiến lớn từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, điểm nhấn trong bảo tàng này, tàu Diamantina. Tàu này được đặt tên theo dòng sông Diamantina ở bang Queensland. Tên dòng sông thì được đặt theo tên phu nhân của toàn quyền đầu tiên của bang Queensland. Con tàu này được thiết kế từ Anh rồi đóng ở Úc từ tháng Tư năm 1943, đưa vào sử dụng tháng Tư năm 1945, vài tháng trước khi Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và đồng minh vô điều kiện. Điểm thú vị ở chỗ con tàu này là tàu chiến lớn nhất trong Thế chiến thứ hai còn được bảo tồn tại Úc.
Bước chân lên tàu, chưa chắc chiều dài 91,36 m và chiều rộng sàn tàu 11,06 m là điều làm bạn ngạc nhiên nhất mà chiều cao của thân tàu sẽ làm bạn choáng ngợp. Khi xem chi tiết kỹ thuật, rầm tàu cao 3,6 m nhưng khi bạn đi trên đó, bạn như đang ở chênh vênh trên nóc của một ngôi nhà sâu hoắm. Nhìn xuống chóng cả mặt. Phải nhiều bậc thang đi xuống bạn mới chạm đến đáy tàu. Cứ tưởng tượng cái nhà to đùng dài cả trăm mét ấy mà nổi trên mặt nước thì như thế nào nhỉ.
Khách tham quan lên tàu có thể được đi khắp các ngóc ngách, từ khoang lái đến phòng động cơ. Cái tàu này mà lái cũng không phải chuyện đùa đâu nhé vì khoang lái ở tầng dưới. Người lái tàu đứng ở đây. Người hoa tiêu thì ở trên nóc tàu, quan sát và nói vào hệ thống loa để đến người lái tàu dưới khoang lái nghe thấy. Ôi trời đất, bạn cứ hình dung bạn phải bịt mắt lái xe và một ông hoa tiêu ngồi trên đầu bạn lại bảo bạn đi thẳng hay quẹo trái thì khó thế nào.
Con tàu nặng 1.420 tấn tiêu chuẩn, 2.220 tấn đầy tải này có thể chạy 19, 20 dặm một giờ (tức là chừng 30 km một giờ). Chức năng của tàu là để chống tàu ngầm nhưng trong thực tế tham chiến thì nó hỗ trợ cho các tàu chiến khác bắn phá kẻ thù. "Kẻ thù" ở đây là hải quân của phát xít Nhật khi đó cực kỳ thiện chiến. Trên tàu vẫn còn thấy các súng ống. Lũ trẻ còn được vào xem những phòng tầng dưới, nơi ăn ở chật chội của các anh chàng hải quân Úc, giờ chắc cũng đã lên chức cụ rồi. Có cả áo quần của các các cựu quân nhân đó. Bọn trẻ con nhà chúng tôi mê đắm với các kỷ vật đó lắm. Con tàu này còn đặc biệt ở chỗ chính trên tàu này, phát xít Nhật đã phải ký hiệp định đình chiến tại các đảo Nauru và Ocean trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Nếu tính theo tuổi khai sinh của tàu là tháng 4 năm 1945 thì Diamantina được gọi là “bà” rồi vì “bà” năm nay cũng đã 68 tuổi. Còn khi tham chiến chắc “bà” được coi là thiếu nữ. Sau khi đã vẻ vang phục vụ chiến tranh thế giới thứ 2, năm 1948 “cô” Diamantina đã được sửa sang, ra khơi lại năm 1959 để tiến hành nghiên cứu hải dương học. Một trong các kết quả nghiên cứu với sự tham dự của “cô” là tìm ra một trong những cái rãnh sâu nhất ở biển Ấn Độ Dương, ngoài khơi biển Tây Úc. Chính vì vậy rãnh này được đặt tên "Diamantina Trench" theo tên con tàu.
Năm 1963, khi Nữ hoàng Elizabeth đến thăm nước Úc, người nữ anh hùng Diamantina đã xuất hiện trong đoàn tàu hộ tống bà. Năm đó con tàu mới 18 tuổi.
Đến năm 1980, ở tuổi 55, Dianmantina được nghỉ hưu và được đưa vào Bảo tàng Hàng hải Queensland tại Brisbane. Con tàu Dianmantina được xem như một biểu tượng của Queensland. Chắc bà Dianmantina rất hài lòng với khí hậu thoáng đãng gió và nắng ở đây. Nhất là bà lại được hướng mũi ra phía dòng sông Brisbane. Có lẽ bà hoàn toàn hạnh phúc với sự thăm nom của các trai tráng và trẻ con, những người không phải chứng kiến chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Trong Bảo tàng Hàng hải có nhiều con tàu và đèn biển khác. Có chiếc đèn biển được đặt trên tàu nên trông đèn biển như là tàu vậy. Đèn biển này được đặt ở những vùng không thể xây những trụ đèn biển (light house). Điều thú vị là khi tham quan ở đây, tôi được biết những tàu-đèn biển như vậy, bao giờ cũng cần có một chị em khác để khi một tàu-đèn được kéo về kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, người chị em của nó sẽ làm nhiệm vụ thay thế.
Và lũ trẻ thì không quên thò mặt vào cái hình cướp biển để chụp ảnh. Ái chà, so với các bà, các chị tàu to lớn trong bảo tàng, các cướp biển bé tí xíu. Nhưng niềm vui thì to đùng. Kết thúc chuyến đi, các cướp biển ra bơi lội tung tăng ở Street beach (Biển trên phố) ngay gần đó.
Lời kết
Một ngày lang thang Brisbane với "thành phố không khóa cửa", chúng tôi cũng chỉ thăm thú được vài điểm trên 71 ngôi nhà mở cửa cho công chúng vào thăm miễn phí. Có những ngôi nhà chỉ hạn chế đón vài chục hay vài trăm khách nên muốn tham quan các nhà đó phải đăng ký trước. Tuy nhiên, người xem hoàn toàn có thể đăng ký online hay điện thoại để đặt chỗ được. Bạn thấy đó, với những dịp như thế, những công dân chính thức của thành phố, những cư dân mới, cư dân ngắn hạn của thành phố này (như tôi) sẽ hiểu biết và yêu thêm thành phố của mình ra sao. Tôi và chồng tôi cứ bảo nếu ở Hà Nội các tòa nhà cũng được mở ra để mọi người vào thăm, một năm vài lần, thì người Hà Nội và người đến Hà Nội sẽ thêm yêu thành phố Thủ đô bao nhiêu.