Điều chỉnh quy trình ban hành sách
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, liên quan đến những phản hồi của dư luận về chương trình và một số nội dung sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, tới đây, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhằm đảm bảo chất lượng các bộ sách. Bộ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện ba điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa, gồm kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm sách giáo khoa; tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi nhà xuất bản gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định; mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa. Bộ có thể đăng mạng bản PDF bản mẫu sách giáo khoa trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành sách, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Việc sách giáo khoa lớp 1 có “sạn” cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng làm việc của hội đồng thẩm định. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Lần này, Bộ yêu cầu các thành viên hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với hội đồng thẩm định. Khâu thẩm định trong hội đồng cũng như tương tác với các nhóm tác giả sẽ được tăng cường. Bộ cũng sẽ mở thêm các kênh khác nhau để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn, trong đó có việc lấy ý kiến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy”.
Chất lượng sách sẽ cao hơn?
Những dự kiến điều chỉnh quy trình thẩm định và ban hành sách giáo khoa mới của Bộ nhận được sự đánh giá tích cực từ các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh.
Theo quy định hiện hành, việc thẩm định sách giáo khoa sẽ do hội đồng thẩm định quốc gia thực hiện. Hội đồng này do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, bao gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý giáo dục và cả các giáo viên. Các thành viên hội đồng sẽ nghiên cứu độc lập, có góp ý với các tác giả về các vấn đề cần chỉnh sửa và bỏ phiếu thông qua.
Hội đồng thẩm định sẽ trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phê duyệt các bản sách được hội đồng đánh giá đạt chất lượng. Với quy trình trên, chỉ các thành viên hội đồng thẩm định được tiếp xúc với bản thảo sách giáo khoa. Người dân chỉ được biết khi sách đã được in bán đại trà. Tuy nhiên, việc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nhận chỉ trích mạnh mẽ của dư luận đã cho thấy quy trình trên chưa đảm bảo được chất lượng sách.
TS Giáp Văn Dương cho rằng sau sự cố sách Cánh diều, bài học quan trọng với Bộ Giáo dục và Đào tạo là thẩm định sách giáo khoa cần bài bản, khoa học, minh bạch hơn. Bản thảo của các bộ sách cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của người dân, nhất là các phụ huynh, chuyên gia giáo dục bên cạnh ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định.
Trong vấn đề thực nghiệm sách giáo khoa, Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm định sách giáo khoa có yêu cầu các tác giả, nhà xuất bản phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa và báo cáo kết quả thực nghiệm trong hồ sơ xin thẩm định sách. Tuy nhiên, việc thẩm định này do tác giả, nhà xuất bản tự thực hiện, không có sự giám sát nên theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, cách làm này sẽ không thể đảm bảo tính khách quan.
Bên cạnh đó, TS Lê Thống Nhất cho rằng thời gian tổ chức thực nghiệm chỉ vài ba tháng là quá ngắn để có thể phát hiện các vấn đề bất cập nếu có. Thừa nhận thực tế này, GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cho rằng việc sửa đổi quy định về thực nghiệm là cần thiết để đảm bảo sách phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong các nhà trường.
Với các phân tích trên, các chuyên gia giáo dục nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh trong quy trình ban hành sách giáo khoa mới sẽ góp phần quan trọng để có sách giáo khoa chất lượng hơn cho học sinh, trước mắt là với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.