Phó Chủ tịch cấp cao Moody, bà Jacintha Poh cho biết do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia (MNC) có ý định gia tăng chuyển dịch vụ sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ ngày càng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, khi ngày càng có nhiều MNC áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”.
Moody cũng cho biết tác động tiềm tàng của việc tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm hơn cũng là một trong những rủi ro mà các nước châu Á mới nổi sẽ phải đối mặt trong năm tới. Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn sẽ hạn chế nhu cầu tài trợ cơ sở hạ tầng lớn. Các thị trường mới nổi sẽ chịu gánh nặng của tác động so với các khu vực khác.
Theo bà Poh, các ngân hàng phát triển đa phương và chính phủ sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước châu Á mới nổi nhằm bù đắp khó khăn về tín dụng và cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, Moody lưu ý rằng giá hàng hóa cao do xung đột tại Ukraine đã góp phần tăng xếp hạng chất lượng tín dụng của các nhà sản xuất hàng hóa. Kết quả là các nhà sản xuất hàng hóa ở châu Á đã báo cáo thu nhập và dòng tiền mạnh mẽ mà họ sử dụng để giảm nợ, đầu tư hoặc chia lợi nhuận cho cổ đông. Những khoản bội thu này đã hỗ trợ các nhà sản xuất trong bối cảnh rủi ro pháp lý và những lo ngại về môi trường, xã hội và quản trị gia tăng.