Ngã đâu cũng là giường
Dưới gầm cầu Đại lộ Thăng Long, đoạn giao cắt với đường Lê Quang Đạo, khoảng chục lao động thông cống ngang bất chấp thời tiết giao mùa lúc mưa lúc nắng cứ miệt mài làm việc.
Gần trưa, vớ viên gạch ngồi tạm xuống lòng đường nghỉ ngơi, chị Đỗ Thị Lan (Thanh Trì, Hà Nội) vừa lau mồ hôi vừa trò chuyện: Công việc của công nhân làm cống ngang ngày nào cũng như ngày nào, chỉ khác thay đổi địa điểm. Có hôm di chuyển hết 20-30 cây số mới đến địa điểm làm việc. “Nhiều lúc muốn nghỉ việc tìm việc khác nhưng trình độ hạn chế, tìm việc khó khăn, tôi lại trung thành với công việc. Không làm lấy gì nuôi con?” – chị Lan tâm sự. Chồng chị đã mất, chị Lan phải gồng gánh nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.
Dù là nữ nhưng công việc thông công ngang không có chế độ ưu tiên, nam cũng như nữ, chị Lan phải đi làm từ 5-6 giờ sáng. Thau cống, xúc bùn… chị thành thạo chẳng kém công nhân nam. “Ngày mưa đi khơi cống thoát nước người ướt sũng, ngày nắng thông cống nóng có khi ngất xỉu vì hít khí độc”. Nghỉ được 5 phút, nói được dăm ba câu đưa chuyện rồi chị lại vội vàng cầm cuốc xẻng lên để khơi thông cống, trục vớt rác và bùn đọng.
Công nhân lao động ngoài trời "ngã đâu cũng là nhà" |
Ông Dũng, một công nhân làm ở Đội 6, Xí nghiệp Thoát nước, Tổ cống ngang cầm xẻng múc bùn lên xe đẩy. “Nhìn có vẻ nhẹ đấy nhưng mỗi xẻng bùn nặng đến 5-6kg, nếu không có sức khoẻ thì không thể vừa móc, vừa xúc liên tục được” – ông Dũng nói. “Chuyện nằm bờ nằm bụi, ngã đâu là giường, ăn cơm giữa trời mưa, trời nắng là chuyện bình thường với chúng tôi. Người đau lưng, người đau khớp, người thoát vị đĩa đệm… Có những công nhân thông cống tuổi chưa đến 50 nhưng đã bị mất sức, người mang đủ thứ bệnh. Ông Dũng bảo, mong ước lớn nhất của ông là mau được nghỉ hưu vì lúc nào cũng bị bệnh viêm khớp, đau thắt lưng hành hạ.
“Đau lưng vẫn còn nhẹ. Tôi suốt ngày hít mùi thối, bệnh tiền đình với viêm xoang hành hạ quanh năm…”- chị Đặng Thu Hiền, Tứ Liên, Tây Hồ, HN chuyên dọn rác ở chợ hoa Quảng Bạ cho biết. Là chợ hoa đầu mối, mỗi ngày chợ hoa này thải ra hàng tấn rác thải, công nhân môi trường bao giờ cũng làm việc hết công suất. “Nhiều hôm trời nắng nóng hay mưa rét, làm việc vất quá, mệt phờ người không bước chân nổi, chị em chúng tôi nằm luôn trên sạp hàng bỏ không của mấy bà hàng chợ... Đợt vừa rồi tôi suýt chết, phải nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp, tràn dịch màng phổi”.
Nín tiểu vì chạy sản lượng
Đã vào guồng làm việc trong nhà máy, chị Lan - công nhân may trong một tập đoàn thời trang Việt Nam chẳng bao giờ có thời gian rảnh chỉnh lại mái tóc hay sửa lại vạt áo. Lúc nào gương mặt đen gầy ấy mím chặt môi, tập trung cao độ vào công việc.
Là mẹ của hai đứa con trai nhưng nhìn dáng người khô nhỏ của Lan, người ta thấy chị nhỏ thó, gầy gò như học sinh trung học, chưa kể hàng tá bệnh trong người vì nhịp làm việc quá tải. Lan kể: “Công việc của em rất áp lực, bị ép sản lượng 1.200 chiếc mỗi ngày, có lúc ngất xỉu tại nhà máy luôn. Họ ép quá, xong thì đe dọa đuổi việc. Một ngày làm việc mệt lắm, chạy vội vàng, ngồi may nhiều đến mức nín tiểu…”.
Chị Lan - một công nhân may nghèo (Ảnh Oxfam) |
Là một trong số ít nữ công nhân dám nói lên tình trạng vắt kiệt sức lao động của công nhân may công nghiệp, Lan thật thà trải lòng mình với Oxfam - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ: “Khi tôi mang thai, họ để tôi làm ở xưởng, nhưng cũng chẳng đỡ vất vả hơn là mấy. Xưởng đầy ắp hộp giày và công việc của tôi là dán tem lên các hộp giày. Một đôi giày mà chúng tôi sản xuất ra có giá hơn cả tháng lương của tôi…”.
Câu chuyện của Lan cũng giống bao nữ công nhân khắp Việt Nam, đang bị vắt kiệt sức khỏe trong những guồng máy công nghiệp. Để rồi, sau mỗi ngày làm việc vất vả, Lan cũng như nhiều công nhân may trở về phòng trọ, gồng mình với chứng đau lưng, viêm phổi, viêm mũi, thậm chí gai cột sống, hỏng thận vì nín tiểu lâu ngày...
Ảnh: Oxfam |
Bà Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành của Oxfam cho biết: “Oxfam đã nói chuyện với phụ nữ trên khắp thế giới. Phụ nữ phải làm việc xa nhà trong các nhà máy may mặc tại Việt Nam với mức lương bèo bọt. Phụ nữ làm việc trong ngành chăn nuôi tại Mỹ còn buộc phải mặc bỉm vì họ không được nghỉ đi vệ sinh...”.
Trông vào bảo hiểm, bảo hiểm… nợ
Bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện có khoảng 30.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp đã được giám định, hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp. Nhưng trên thực tế, số người mắc bệnh nghề nghiệp ước tính cao hơn rất nhiều số người đã được khám vì phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở lao động không tổ chức khám chữa bệnh định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trong năm 2016, các cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ cho hơn 1,5 triệu lao động. Số lao động đạt sức khỏe loại I chiếm gần 23%, sức khỏe loại II chiếm gần 40%, loại III chiếm hơn 23%, còn lại là loại IV, V. Đáng báo động là người sức khỏe loại IV, V có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây.
Nhiều lao động nghèo khi tuổi già sầm sập đến, sức cùng lực kiệt chỉ trong chờ vào mỗi tiền bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp lại nợ. Số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ngày càng đông đảo.
Tính đến hết tháng 2/2017, ngành Bảo hiểm xã hội đã chuyển giao cho Tổng Liên đoàn Lao động hơn 1.100 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Đến nay, đã có 39/63 LĐLĐ các tỉnh thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.
Việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH vẫn đang bế tắc về luật pháp. Ai khởi kiện mới hiệu quả? Khởi kiện như thế nào? Các chuyên gia đưa ra hai hướng đề xuất giải quyết vấn đề khởi kiện nợ BHXH. Một, BHXH vừa thanh tra thu vừa khởi kiện, nhưng muốn thực hiện theo hướng này thì phải sửa luật BHXH và tố tụng dân sự. Hai, giao cho công đoàn khởi kiện thì phải giao cho công đoàn cấp trên khởi kiện. “Nếu giao công đoàn cơ sở khởi kiện thì không bao giờ thực hiện được vì chủ tịch công đoàn cơ sở là người ăn lương của doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở chưa nộp đơn thì chủ tịch công đoàn có khi đã bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc” - ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động thẳng thắn thừa nhận.
Trong khi chờ luật, doanh nghiệp nợ bảo hiểm vẫn “nhởn nhơ” bóc lột sức lao động của những người lao động thấp cổ bé họng.
Nhà xưởng còn ô nhiễm, bệnh còn rình rập
Một nguyên nhân khiến bệnh nghề nghiệp trở thành “vấn nạn” là đa phần các doanh nghiệp hiện nay làm việc với công nghệ lạc hậu, máy móc, dây chuyền chắp vá, nhà xưởng chật chội. Hiện cả nước có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng có tới hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết: Năm 2015, ngành lao động thanh tra ngành dệt may. Năm 2016 thanh tra xây dựng. Năm 2017 thanh tra về lĩnh vực điện tử và thủy sản. Trong quá trình thanh tra, các đoàn kiểm tra chỉ ra rất nhiều lỗi sai phạm về môi trường làm việc của doanh nghiệp và yêu cầu khắc phục môi trường làm việc như về ánh sáng, độ bụi, tiếng ồn. Việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu không đảm bảo cộng với các hóa chất độc hại, môi trường làm việc ô nhiễm là ẩn họa đe dọa sức khỏe của hàng triệu người lao động.
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng khí, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác… Quy định là vậy, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp thực hiện việc đo kiểm tra môi trường lao động. Người lao động nghèo trong cuộc mưu sinh khó nhọc vẫn phải tự mình đối phó với nguy cơ bệnh nghề nghiệp bủa vây.
“Có những doanh đã hoạt động hơn 10 năm nhưng chưa một lần các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh môi trường lao động. Có những địa phương nhiều năm qua chưa xử phạt cơ sở lao động nào vi phạm về môi trường lao động... Thực trạng bệnh nghề nghiệp đã đến mức báo động, rất cần được các cấp, các ngành liên quan quan tâm, khắc phục” – đại diện Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định.