Một nghiên cứu mới dược đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm thay đổi độ dài của bốn mùa.
Theo nghiên cứu, vào năm 2100, mùa hè kéo dài 6 tháng, mùa đông sẽ kéo dài chưa đầy hai tháng, mùa xuân và mùa thu ngắn hơn tương tự.
Sự thay đổi này tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của sự sống trên Trái đất. Nó làm ảnh hưởng đến nông nghiệp và hành vi của động vật, làm tăng tần suất các đợt nắng nóng, bão và cháy rừng, và cuối cùng gây ra rủi ro gia tăng cho nhân loại.
Mùa hè dài hơn có nghĩa là mùa cháy rừng kéo dài hơn, nhiều đợt nắng nóng hơn và các cơn bão cực mạnh.
"Muỗi nhiệt đới mang virus có khả năng mở rộng về phía bắc và gây bùng phát dịch trong mùa hè dài hơn và nóng hơn", các nhà nghiên cứu cho biết.
Các tác giả nghiên cứu đã xem xét dữ liệu nhiệt độ hàng ngày trong lịch sử từ năm 1952 đến năm 2011 ở Bắc bán cầu. Cụ thể, họ muốn xem sự bắt đầu của các mùa mới thay đổi như thế nào từ năm này sang năm khác.
Kết quả cho thấy trung bình mùa hè kéo dài từ 78 đến 95 ngày từ năm 1952 đến năm 2011. Trong khi đó, mùa đông giảm từ 76 xuống 73 ngày. Các mùa chuyển tiếp cũng giảm dần, với mùa xuân rút ngắn từ 124 ngày xuống còn 115 ngày và mùa thu từ 87 đến 82 ngày. Nhiệt độ trung bình thay đổi tương ứng trong thời gian này, cả mùa hè và mùa đông đều trở nên ấm hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các mô hình khí hậu để dự đoán mức độ thay đổi của các mùa trong tương lai.
Nếu không có nỗ lực nào được thực hiện để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, mùa xuân và mùa hè sẽ bắt đầu vào năm 2100 sớm hơn một tháng so với năm 2011, trong khi mùa thu và mùa đông sẽ bắt đầu muộn hơn nửa tháng. Do đó, Bắc bán cầu sẽ trải qua hơn nửa năm trong mùa hè và nhiệt độ trung bình vào mùa hè dự kiến sẽ tăng lên.
Sự thay đổi theo mùa này sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ việc chim di cư đến khi cây trồng phát triển, chạm vào hầu như mọi khía cạnh của sinh quyển Trái đất.