Muốn bảo tồn phải sống được bằng di sản

[Ngày Nay] - Từng được mệnh danh là thiên đường du lịch hay hòn ngọc của châu Phi, thành phố cổ Lamu của Kenya bị UNESCO cảnh báo có nguy cơ bị tuột mất danh hiệu di sản thế giới. Bằng những nỗ lực của mình, người dân Lamu đã vượt qua ranh giới đỏ với kế hoạch phát triển kinh tế từ di sản song hành với bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Muốn bảo tồn phải sống được bằng di sản

Viên ngọc du lịch Kenya

Lamu là thành phố cổ lâu đời nhất ở Kenya, thành phố nằm trên bờ biển phía đông của châu Phi, gần biên giới Somalia. Thành phố này được coi là thiên đường du lịch tại Kenya, nơi đây có lịch sử với nhiều điều bí ẩn và là một thành phố vô cùng quyến rũ, với những con đường quanh co làm bằng đá từ thời Trung cổ. Ở Lamu có những lễ hội tôn giáo từ thế kỷ XIX, và thành phố đã trở thành trung tâm lớn về nghiên cứu văn hóa Hồi giáo và văn hóa Swahili.

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận thành phố cổ Lamu của Kenya là Di sản Văn hóa thế giới năm 2001. Kiến trúc thành phố cổ Lamu có nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa Châu Âu, Ả rập và Ấn Độ.

Quan trọng hơn nữa là tính toàn vẹn về văn hóa, xã hội của thành phố này đã được người dân duy trì, bảo tồn tốt. Hiện nay cư dân sống tại thành phố cổ Lamu vẫn duy trì tốt nếp sống được truyền qua nhiều thế hệ và những lễ hội truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm.

Nếu đến thăm quan thành phố cổ, du khách sẽ cảm thấy như đang bước vào một thế giới khác bởi thành phố vẫn giữ gần như nguyên vẹn những công trình kiến trúc cổ, quy hoạch đô thị và cả các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng từ 700 năm qua. Sự hòa trộn của nhiều nền văn hóa kết hợp cùng yếu tố bản địa đã tạo nên màu sắc văn hóa vô cùng khác biệt cho vùng đất này. Màu sắc văn hóa đó không chỉ tác động đến kiến trúc mà còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tôn giáo và cả những nghi thức, phong tục truyền thống trên đảo hay nói chính xác là tại thành phố cổ Lamu. Di sản văn hóa thế giới này cũng được đánh giá là có ngành đánh bắt và du lịch trị giá hàng tỷ USD, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho Kenya cũng như người dân địa  phương. Hầu hết những người dân trong vùng, ngoài công việc đánh bắt cá, đều làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Muốn bảo tồn phải sống được bằng di sản ảnh 1

Nguy cơ bị tước danh hiệu

Là một thiên đường du lịch ở châu Phi, Lamu cũng đối mặt với tình trạng giống như nhiều di sản thế giới khác, đó là sự quá tải khi khách du lịch kéo đến quá đông, tác động không nhỏ đến bản sắc văn hóa cũng như cuộc sống của người dân nơi đây.

Trước hết là vấn đề ô nhiễm. Đến với thành phố Lamu vào buổi sáng sớm khi hầu hết người dân thành phố vẫn đang chìm vào giấc ngủ, việc chạy dọc các đường bờ biển vắng vẻ trong không khí trong lành là thói quen của nhiều người dân địa phương và khách du lịch. Tuy nhiên, không ít lần những người chạy bộ phải chun mũi vì những đống rác không được thu gom, đổ đống trong những khoảng trống nhỏ còn sót lại giữa những ngôi nhà. Số khách du lịch tăng vọt, các hoạt động dịch vụ gia tăng khiến thị trấn cổ với diện tích 16 ha trở nên quá tải rác thải. Ngoài vấn đề ô nhiễm rác thải, Lamu cũng bị ô nhiễm bởi các phương tiện giao thông. Do đặc điểm của thị trấn không có con đường lớn, nên những phương tiện như xe máy taxi (Boda Boda) hay tuk tuk được sử dụng khá phổ biến để vận chuyển người dân và khách du lịch qua các con ngõ nhỏ hẹp. Khi lượng khách du lịch tăng, lưu lượng giao thông trên đường của các phương tiện này lớn hơn khiến thành phố chìm trong ô nhiễm khói bụi.

Một vấn đề khác mà Lamu cũng phải đối mặt đó là lối sống phương Tây ảnh hưởng đến bản sắc và các dự án phát triển kinh tế đe dọa nỗ lực bảo vệ di sản của người dân địa phương. Ngay sau khi UNESCO công nhận Lamu là di sản thế giới, những người giàu có từ nhiều nước đã kéo đến hòn đảo để mua đất. Giống như nhiều nước châu Phi, Kenya cũng kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vào các dự án giao thông và năng lượng, trong đó Trung Quốc tài trợ 1/4 phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Phi vào năm 2018. Các công trình lớn được chính phủ xây dựng bao gồm một hải cảng, một hệ thống đường ống dẫn dầu và các liên kết giao thông, đặc biệt trong đó là dự án gây tranh cãi xây dựng nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của khu vực. Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương, nhưng các cư dân Lamu lo ngại sự phát triển và làn sóng ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ cuốn đi nền văn hóa và kiến trúc địa phương. Nhiều người địa phương lo ngại việc xây dựng hải cảng mới, đường ống dẫn dầu và các liên kết giao thông trên đất liền sẽ đưa nhiều người nước ngoài đến Lamu và làm thay đổi văn hóa độc đáo của thị trấn này.

 Trước hàng loạt các vấn đề mà Lamu phải đối mặt Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phải lên tiếng cảnh báo viên ngọc du lịch Lamu có thể bị loại khỏi Danh sách di sản thế giới. Ông Cobus van Staden, một nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi cho rằng, Lamu bị cuốn vào “một bản tango giữa mong muốn hiện đại hóa, đồng thời cần bảo vệ môi trường và di sản văn hóa”. Người dân cần phải có nhiều tiếng nói hơn đối với các dự án phát triển vì điều này tác động trực tiếp đến cuộc sống của cư dân địa phương.

Muốn bảo tồn phải sống được bằng di sản ảnh 2

Hiện đại hóa hay bảo tồn di sản?

Xác định việc bị loại khỏi danh sách Di sản thế giới sẽ mất đi nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương nên ngay sau cảnh báo của UNESCO, chính quyền địa phương đã đưa ra biện pháp để bảo vệ di sản.

Trước hết là vấn đề giảm tải tình trạng ô nhiễm. Bất chấp những cuộc biểu tình phản đối của những người lái xe Boda Boda hay Tuk Tuk, chính quyền địa phương đã cấm các phương tiện này hoạt động trong thị trấn cổ. Theo đó sẽ có khu vực cụ thể cho xe máy đón, trả khách để phục vụ doanh nhân, hành khách và người dân địa phương. Chỉ cho phép những con lừa được vào thành phố đó là cách mà chính quyền bảo vệ thị trấn cổ Lamu bảo vệ di sản. Lamu siết chặt các ngả đường, cấm xe ô tô, xe máy và xe đạp để bảo vệ nguyên gốc di sản văn hoá này.

Theo Phó Thống đốc Lamu ông Abdulhakim Aboud Bwana, phải giáo dục người dân Lamu về tầm quan trọng của thành phố Di sản Thế giới. Người dân cần cảm thấy rằng, danh hiệu di sản này đang làm lợi cho cuộc sống của chính người dân và họ phải có trách nhiệm gìn giữ và phát triển các di sản này. Sau hàng loạt các hoạt động phản đối, kiện tụng, tòa án Kenya đã buộc phải ra phán quyết tuyên bố không cho phép xây dựng nhà máy nhiệt điện than theo kế hoạch để phục vục các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là một thắng lợi của những người ủng hộ bản sắc địa phương và bảo tồn di sản Lamu. Chính quyền Lamu cũng cam kết bảo vệ di sản của hòn đảo trước các dự án, xin ngân sách để khôi phục các tòa nhà lịch sử và phát triển ngành du lịch như là một trụ cột chính của đảo, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.

Những nỗ lực của người dân đã được đền đáp khi các cơ quan chức năng Kenya đầu năm nay cho biết, UNESCO đã loại Lamu ra khỏi danh sách đỏ với các biện pháp quan trọng đã được đưa ra . UNESCO cũng cam kết sẽ đồng hành cùng người dân Lamu trong việc bảo tồn và phát huy di sản của mình.

Muốn bảo tồn phải sống được bằng di sản ảnh 3

Sống bằng di sản

Giống như Kenya, nhiều nơi trên thế giới cũng phải đối mặt với bài toán bảo tồn và phát triển. Hàng loạt biện pháp của các nước trên thế giới đã đưa ra để bảo vệ những di sản của mình như thành phố Venice (Italy) đã phải hạn chế lượng khách du lịch khi tình hình đang vượt quá tầm kiểm soát. Vạn Lý trường thành của Trung Quốc cũng hạn chế số khách tham quan trong 1 ngày. Phần lớn di sản văn hóa thuộc về cộng đồng. Do đó, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản là của toàn xã hội. Nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền, phát huy nguồn lực di sản văn hóa là mục tiêu quan trọng lâu dài, mang ý nghĩa then chốt... Tuy nhiên, bảo tồn di sản không có nghĩa là đóng khung di sản vào một lồng kính để ngắm. Nhiều quốc gia đã có không ít dự án du lịch vừa bảo tồn và tạo sức hút cho di sản như một điểm đến hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.

Box: Các chuyên gia cho rằng, người dân trong vùng lõi và vùng đệm của các di sản thế giới phải sống được bằng di sản. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo tồn di sản thế giới. Điều này được Campuchia áp dụng và đã thành công trong việc bảo tồn di tích Angkor.

Các chuyên gia cho rằng, người dân trong vùng lõi và vùng đệm của các di sản thế giới phải sống được bằng di sản. Đây là biện pháp tốt nhất để bảo tồn di sản thế giới. Điều này được Campuchia áp dụng và đã thành công trong việc bảo tồn di tích Angkor. Ngoài việc phục hồi và nghiên cứu khảo cổ học trong các di sản, đào tạo các chuyên gia bảo tồn tại địa phương, chính quyền cũng ưu tiên tạo điều kiện cho người dân địa phương sống dựa vào di sản.

Theo đó những người dân tại đây được bố trí làm việc trong Cơ quan khảo cổ Angkor Apsapa để tránh tối thiểu tác động lên di sản. Ngoài nỗ lực của người dân địa phương, nhiều nước như Pháp, Đức hay các tổ chức quốc tế như UNESCO đều có các chuyên gia hỗ trợ Campuchia trong nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản.

Có thể nói, mặc dù Angkor phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng sức sống của di sản với mô hình quản ký hiệu quả vẫn thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Thành công của Ankgor đã minh chứng cho hiệu quả thực hiện của Công ước Di sản Thế giới và sự đoàn kết quốc tế.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.