Trước đó, một số quan chức quân sự Washington đã khuyến cáo không nên bắn hạ khinh khí cầu này trong lãnh thổ đất liền của Mỹ do lo ngại các mảnh vỡ có thể gây hại cho người dân khi rơi xuống đất. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó tuyên bố với báo giới rằng “sẽ xử lý” thỏa đáng khí cầu này.
Cùng ngày, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu ngừng hoạt động 3 sân bay và đóng cửa không phận các khu vực thuộc 2 bang Bắc Carolina và Nam Carolina, những nơi cuối cùng quan sát được khinh khí cầu của Trung Quốc trước khi vật thể này bay ra biển.
Hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sự xuất hiện ngoài ý muốn của một khinh khí cầu dân sự của nước này trong không phận Mỹ là do bất khả kháng. Tuyên bố này khẳng định đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng, và do ảnh hưởng của gió Tây ôn đới và khả năng tự điều khiển hạn chế, nó đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.
Trong một cuộc điệm đàm sau đó với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken được hãng Tân hoa tường thuật, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington cần tập trung, giao tiếp kịp thời, tránh đánh giá sai lầm và quản lý sự khác biệt khi đối mặt với các tình huống bất ngờ.
Trước cuộc điện đàm, truyền thông Mỹ đưa tin Ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc dự kiến diễn ra ngày 4 – 5/2, trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chưa ra thông báo chính thức nào về chuyến thăm dự kiến này đồng thời cáo buộc một số chính trị gia và phương tiện truyền thông Mỹ lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.