Nga hiện có hơn 100.000 quân tập trung gần biên giới Ukraine, trong khi đó Mỹ dù đang mở các kênh ngoại giao cho đến nay, nhưng vẫn không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng an ninh tại Đông Âu.
Sau tuyên bố của phía Mỹ, chính quyền Moscow phủ nhận mọi dự đoán chiến tranh và cáo buộc phương Tây là "kẻ hiếu chiến".
Trước thềm chuyến công du tới Kyiv và Moscow đầu tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi Nga giảm leo thang và cảnh báo các biện pháp trừng phạt nếu đưa quân sang lãnh thổ Ukraine.
Bất chấp thông tin tình báo cho rằng Nga đã lên kế hoạch động binh vào thứ Tư tuần này, giới chức Mỹ cho biết họ không thể xác nhận báo cáo trên.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết một cuộc xâm lược có thể bắt đầu "bất cứ ngày nào".
“Chúng tôi không thể dự đoán thời điểm một cách hoàn hảo, nhưng hiện tại chúng tôi đã nói rằng thời điểm đó có thể sắp tới”, ông Sullivan cho biết.
Ông Sullivan tuyên bố chính quyền Washington sẽ tiếp tục chia sẻ những gì họ biết được với thế giới để không cho Moscow có cơ hội dàn dựng một chiến dịch "cờ giả" nhằm tạo ra cái cớ cho một cuộc tấn công.
"Mỹ cũng sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO và chúng tôi nghĩ rằng Nga hoàn toàn hiểu được thông điệp đó", vị cố vấn nói.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy, hai bên họ nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục theo đuổi biện pháp ngoại giao và răn đe để đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Trước đó, ông Biden đã nói với Tổng thống Nga Putin trong một cuộc điện đàm hôm thứ Bảy rằng phương Tây sẽ đáp trả một cách dứt khoát đối với bất kỳ cuộc xâm lược nào và một cuộc tấn công như vậy sẽ gây tổn hại và cô lập Nga.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã nói với ông Biden rằng Washington đã không tính đến các mối quan tâm chính của Nga và họ không nhận được "câu trả lời đáng kể" nào về các yếu tố chính trong yêu sách an ninh của mình.
Phía Nga đã gửi đi một bản yêu sách an ninh cho Mỹ và NATO, bao gồm việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, hạn chế triển khai tên lửa gần biên giới Nga và thu nhỏ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu về quy mô năm 1997.
Chính quyền Washington coi nhiều đề xuất của Nga không có triển vọng, nhưng đã thúc đẩy Điện Kremlin thảo luận chung với Nhà Trắng và các đồng minh châu Âu.
"Con đường ngoại giao vẫn rộng mở. Cách thức để Moscow thể hiện rằng họ muốn theo đuổi con đường đó rất đơn giản", Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói sau cuộc hội đàm hôm thứ Bảy.
Hôm Chủ nhật, Ukraine cho biết họ muốn đàm phán với Nga và các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) trong vòng 48 giờ để thảo luận về nguy cơ chiến tranh.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Moscow đã không phản ứng sau khi Kyiv hôm thứ Sáu viện dẫn một phần của Văn kiện Vienna, một tập hợp các thỏa thuận an ninh, để yêu cầu Moscow giải thích các hoạt động quân sự của mình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo không nên đặt quá nhiều hy vọng vào các cuộc đàm phán, khẳng định rằng từng có "một làn sóng tấn công Munich từ một số nước phương Tây", ám chỉ hiệp ước năm 1938 đã không ngăn chặn được Đức khơi mào chiến tranh tại châu Âu.