Ngày 17/9 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã công bố nghiên cứu về hiệu quả sau 4 tháng của 3 loại vaccine phòng COVID-19 là Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson. Kết quả cho thấy sự sụt giảm đáng kể về khả năng phòng bệnh của vaccine Pfizer.
Cụ thể, bắt đầu từ tháng thứ tư sau mũi tiêm thứ 2, hiệu quả của vaccine Pfizer sẽ giảm từ 91% xuống 77%. Trong khi đó, vaccine Moderna không cho thấy sự sụt giảm nào đáng kể, khi vẫn giữ được hiệu quả phòng bệnh tới 92%.
Với vaccine Johnson&Johnson, do không có đủ số người tiêm nên chưa có con số chính xác về hiệu quả từ tháng thứ 4 trở đi. Nhưng nhìn chung, vaccine này có hiệu quả 71% trong việc ngăn ngừa nhập viện.
Nghiên cứu trên được CDC Mỹ công bố vài giờ trước khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị những người đã tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine Pfizer, đặc biệt là người trên 65 tuổi hoặc người có nguy cơ mắc COVID-19 cao, cần tiêm mũi bổ sung sau 6 tháng.
Trước đó, một nghiên cứu của Bộ Y tế Israel cũng khẳng định hiệu quả của vaccine Pfizer sẽ giảm xuống 64% kể từ tháng thứ 5 trở đi.
Theo CDC Mỹ, sự khác biệt trong hiệu quả phòng bệnh của Moderna và Pfizer có thể xuất phát từ liều lượng mRNA cao hơn trong các mũi tiêm Moderna, hoặc khoảng thời gian 4 tuần giữa mũi 1 và mũi 2 (khoảng thời gian này ở vaccine Pfizer là 3 tuần). Ngoài ra, sự khác biệt ở những người tham gia nghiên cứu cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả.