Theo tài liệu được công bố vào ngày 4/1, nhóm phụ trách tài chính bền vững của WHO đề xuất tăng mức đóng góp thường niên của mỗi quốc gia thành viên cho tổ chức.
Kế hoạch này là một phần của quá trình cải cách rộng rãi sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm bộc lộ những hạn chế về quyền lực của WHO trong việc can thiệp sớm vào một cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đang phản đối bản kế hoạch này vì lo ngại về khả năng của WHO trong việc đối đầu với các mối đe dọa trong tương lai, bao gồm cả từ Trung Quốc.
Thay vào đó, phía Washington đang thúc đẩy việc thành lập một quỹ riêng, do các nhà trợ trực tiếp kiểm soát, để cung cấp nguồn lực cho việc phòng ngừa và kiểm soát các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Đề xuất được công bố kêu gọi các quốc gia thành viên tăng dần mức đóng góp từ năm 2024 để thu về một nửa ngân sách cốt lõi 2 tỷ USD của cơ quan vào năm 2028, so với mức dưới 20% như hiện nay, tài liệu cho biết.
Ngân sách cốt lõi của WHO được sử dụng để chống lại đại dịch và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Tổ chức này cũng tăng thêm 1 tỷ USD mỗi năm để giải quyết những thách thức toàn cầu cụ thể như các bệnh nhiệt đới và cúm.
Những người ủng hộ đề xuất nói rằng sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ tự nguyện hiện nay từ các quốc gia thành viên và từ các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates buộc WHO phải tập trung vào các ưu tiên do các nhà tài trợ đặt ra và khiến tổ chức này ít có khả năng chỉ trích các thành viên khi mọi việc diễn ra không như ý muốn.
Một hội đồng độc lập về đại dịch được chỉ định để tư vấn quá trình cải cách của WHO đã kêu gọi tăng cường nhiều hơn các khoản phí bắt buộc, lên đến 75% ngân sách cốt lõi, coi hệ thống hiện tại là "rủi ro lớn đối với tính toàn vẹn và độc lập" của WHO .
"Chỉ có các quỹ linh hoạt và có thể dự đoán được mới có thể cho phép WHO thực hiện đầy đủ các ưu tiên của các quốc gia thành viên", tổ chức này cho biết.
Các nhà tài trợ hàng đầu của Liên minh châu Âu, bao gồm cả Đức, ủng hộ kế hoạch, cùng với hầu hết các quốc gia châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và Ả Rập.
Đề xuất sẽ được thảo luận tại cuộc họp ban điều hành của WHO vào tuần tới nhưng sự phản đối của Mỹ nhiều khả năng khiến đề xuất bị dập tắt.
WHO xác nhận hiện không có sự nhất trí giữa các quốc gia thành viên và cho biết các cuộc đàm phán có thể sẽ tiếp tục cho đến cuộc họp thường niên vào tháng 5 của Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Trước đó, mối quan hệ giữa Mỹ và WHO đã rơi vào tình trạng căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền Trump đã rút Mỹ ra khỏi WHO sau khi cáo buộc tổ chức này bênh vực sự chậm trễ ban đầu của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin khi COVID-19 bùng phát vào năm 2019.
Chính quyền Biden đã sớm trở lại tổ chức này, đồng thời cho rằng WHO cần cải cách đáng kể cũng như nêu bật mối quan ngại về tình hình quản trị, cấu trúc và khả năng đối đầu với các mối đe dọa đang gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.