Tuy nhiên, hiện Đài Loan còn cần phải hoàn tất các chi tiết trong hợp đồng với các công ty Mỹ.
Thông báo của Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng của Lầu Năm Góc nêu rõ: "Thương vụ này sẽ góp phần vào chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách giúp cải thiện năng lực về an ninh và phòng thủ bên tiếp nhận, vốn đã và đang tiếp tục là lực lượng quan trọng đối với sự ổn định chính trị, thế cân bằng quân sự và tiến bộ về kinh tế trong khu vực".
Các giao dịch bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan vẫn là một sự kiện gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền Đài Loan hôm 25-9 ra tuyên bố cảm ơn Mỹ vì sự ủng hộ của nước này và khẳng định hòn đảo này sẽ tiếp tục "liên lạc và hợp tác chặt chẽ" với Washington về nhiều vấn đề, trong đó có an ninh.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh thương vụ kể trên cần để duy trì năng lực phòng thủ của Đài Loan và sẽ không làm thay đổi thế cân bằng quân sự trong khu vực.
Trung Quốc ngờ vực ý định của Mỹ đối với Đài Loan - lãnh thổ được trang bị bằng hầu hết vũ khí do Mỹ sản xuất, đồng thời muốn Washington bán cho trang thiết bị tiên tiến hơn, trong đó có máy bay chiến đấu mới.
Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự cho rằng thế cân bằng lực lượng giữa Đài Loan và Trung Quốc đã thay đổi có lợi cho Trung Quốc. Theo họ, Bắc Kinh có thể áp đảo Đài Loan về quân sự trừ khi lực lượng Mỹ nhanh chóng đến trợ giúp họ.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đặt Đài Loan - được Bắc Kinh xem là 1 tỉnh - dưới quyền kiểm soát của mình.
Hồi tháng 6 năm nay, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh cam kết hòa bình nhưng không thể từ bỏ "dù một tấc đất" lãnh thổ mà tổ tiên đã để lại.