Truyền thông Ai Cập ngày 23/7 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến công du này của Đặc phái viên Mỹ tới 3 nước nhằm đạt được lợi ích của tất cả các bên và đóng góp vào việc xây dựng một khu vực hòa bình và thịnh vượng hơn. Theo tuyên bố, tại Addis Ababa thủ đô của Ethiopia, Đặc phái viên Hammer cũng sẽ tham vấn quan điểm của Liên minh châu Phi đối với vấn đề đập thủy điện GERD.
Tại cuộc gặp song phương diễn ra hôm 16/7 tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi rằng Washington ủng hộ an ninh nguồn nước của Ai Cập.
Ngoài ra, trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Jeddah về An ninh và Phát triển ngày 16/7, lãnh đạo cấp cao của các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Iraq, Jordan và Mỹ cũng đã hối thúc việc xây dựng một nghị quyết ngoại giao nhằm đạt được lợi ích của tất cả các bên liên quan tới vấn đề con đập GERD. Các nhà lãnh đạo nhắc lại sự cấp thiết của việc ký kết một thỏa thuận phù hợp với luật pháp quốc tế về việc tích nước và vận hành con đập trong một khung thời gian hợp lý như được quy định trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/9/2021.
Tổng thống El-Sisi mới đây tuyên bố rằng Ai Cập tin tưởng vào sự thống nhất của các quốc gia thuộc lưu vực sông Nile. Ông Sisi cho biết Ai Cập “đã tìm cách đạt được tầm nhìn chung với Sudan và Ethiopia về vấn đề đập GERD, đồng thời hướng tới một thỏa thuận pháp lý, ràng buộc và toàn diện về việc tích nước và vận hành con đập”.
Tranh chấp giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia nổ ra từ tháng 5 năm 2011 khi Ethiopia tiến hành xây dựng con đập GERD. Ai Cập bày tỏ lo ngại về lượng nước mà mình có quyền sử dụng hằng năm khoảng 55,5 tỷ m3 sẽ bị suy giảm do dự án này của Ethiopia.
Vào ngày 13/1, Ethiopia tuyên bố bắt đầu phá bỏ 17.000 ha rừng vào tháng 2 để có thể tiến hành tích nước cho con đập lần thứ ba mà không cần đạt được thỏa thuận ràng buộc với các nước hạ nguồn là Ai Cập và Sudan.