Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Trung tá Michelle Baldanza, vụ việc xảy ra hôm 25/1 tại khu vực Biển Đen. Washington nói rằng, máy bay Mỹ khi đó đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra định kỳ tại không phận quốc tế ở Biển Đen thì bị chiếc Su-27 của Nga áp sát, cách nhau chỉ còn 6m với "một động thái không an toàn, thiếu chuyên nghiệp" khiến máy bay do thám Mỹ “bị rối loạn điều khiển”.
Bà Michelle Baldanza nói: "Chúng tôi đang điều tra vụ việc”.
Chiến đấu cơ Su-27 Flanker của Nga.
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, chiếc Su-27 đã bay dọc RC-135-một máy bay chuyên thu thập dữ liệu tình báo của Mỹ, và sau đó bất ngờ chuyển hướng, gây khó khăn cho điều khiển RC-135.
Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận vấn đề an toàn bay qua Syria nhằm tránh tai nạn và đối đầu ngoài ý muốn nếu lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu và quân đội Nga hoạt động sát sườn nhau, Lầu Năm Góc không hề nhắc tới sự cố máy bay Su-27 kể trên.
Đây là vụ áp sát mới nhất của chiến đấu cơ Nga đối với máy bay Mỹ tại khu vực biển Đen. Các quan chức Washington dẫn các trường hợp một số máy bay chiến đấu Nga chặn máy bay không người lái của Mỹ ít nhất 3 lần trong tuần đầu tiên của chiến dịch không kích do Moscow thực hiện tại Syria.
Một chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ.
Hồi tháng 5/2015, một chiến đấu cơ Nga cũng suýt va chạm với một máy bay RC-135 của Mỹ ở Biển Đen. Đến tháng 10, hai máy bay ném bom Tu-142 của Nga đã bay sát tàu sân bay hạt nhân USS Reagan của Mỹ ở vùng biển Nhật Bản gần bán đảo Triều Tiên.
Nga tuyên bố mục tiêu không kích là các nhóm khủng bố Hồi giáo nhưng các nhóm nhân quyền khẳng định nạn nhân bao gồm phiến quân Syria chống chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo báo cáo trước đó của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ và Nga đã tiến hành một số phiên thảo luận về bảo mật và tránh va chạm trên không khi hoạt động tại Syria. Tuy nhiên, sự phối hợp của hoạt động trên chỉ liên quan đến tình hình ở Syria, không bao gồm các khu vực khác.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bình luận nào về sự cố mới nhất ở Biển Đen.
An Mai