Thái Lan, quốc gia được Mỹ chỉ định là đồng minh lớn ngoài NATO vào năm 2003, trong năm 2022 đã dành ngân sách 13,8 tỷ baht (407,68 triệu USD) với mục tiêu mua máy bay phản lực mới để thay thế các máy bay F-5 và F-16 thế hệ cũ.
Lực lượng không quân của nước này xác định mua 8 máy bay phản lực F-35A của hãng Lockheed Martin.
Nhưng việc bán các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm phải tuân theo các điều kiện bao gồm hạn chế về thời gian, yêu cầu kỹ thuật và khả năng tương thích bảo trì và do đó Mỹ không thể chấp nhận thỏa thuận, phát ngôn viên của lực lượng không quân Thái Lan Prapas Sornchaidee cho biết trong một tuyên bố.
Ông Prapas cho biết lực lượng không quân Thái Lan vẫn sẽ thay thế các máy bay phản lực F-16 của họ và Mỹ đã cung cấp các mẫu F-15 và F-16 nâng cấp, có thể được chuyển giao nhanh hơn.
F-35 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới và được coi là mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm chỉ được bán cho các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chỉ có Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sở hữu được loại máy bay này.
Thái Lan hiện có 12 chiến đấu cơ JAS-39 Gripen do hãng Saab của Thụy Điển sản xuất bên cạnh các mẫu khác có xuất xứ từ Mỹ, nhiều chiếc đã hoạt động trong hàng thập kỷ.
Quân đội Thái Lan đã sử dụng công nghệ của Mỹ từ thời Chiến tranh Việt Nam, khi nước này tiếp đón các nhân viên không quân và hải quân Mỹ tại các căn cứ của mình. Trong nhiều năm, Thái Lan đã tổ chức các cuộc tập trận "Hổ mang vàng" hàng năm với Mỹ.
Tuy nhiên, những mối quan hệ nồng ấm đó đã trở nên căng thẳng bởi các cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan chống lại các chính phủ vào năm 2006 và 2014, và những lo ngại về các cuộc đàm phán của các chính phủ do quân đội hậu thuẫn đối với Trung Quốc.