Trong khi khái niệm này còn mới mẻ đối với Trung Quốc, chính quyền Biden muốn phát triển một công cụ liên lạc nhanh chóng để giảm nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc.
Một đường dây nóng nối Washington với Bắc Kinh sẽ cho phép Tổng thống Joe Biden, hoặc các quan chức hàng đầu trong đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông, ngay lập tức gọi điện hoặc gửi các tin nhắn mã hóa tới Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc những người thân cận.
Thông tin khẩn cấp có thể được chia sẻ bao gồm các động thái quân sự đột ngột hoặc cảnh báo về các vụ tấn công mạng.
Ý tưởng thiết lập đường dây nóng với Bắc Kinh ít nhất đã có từ thời chính quyền Obama, mặc dù khái niệm này chưa được hệ thống hóa thành một bản ghi nhớ an ninh quốc gia, theo một nguồn tin từ chính phủ Mỹ.
Theo đó, các quan chức chính quyền Biden đã tiếp tục theo đuổi ý tưởng này, nhưng vẫn còn nhiều chi tiết cần tìm hiểu, bao gồm cả việc liệu người Trung Quốc có đồng thuận với ý tưởng này hay không.
Một đường dây nóng tương tự với Trung Quốc đã tồn tại ở Lầu Năm Góc và được cho là chỉ được sử dụng cho các vấn đề quân sự nhưng hiếm khi có.
Kurt Campbell, điều phối viên cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương cho biết: "Chúng ta có một đường dây nóng. Chúng ta đã sử dụng nó vài lần, nhưng hầu như đầu dây bên kia không hồi đáp".
Trước bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng tỏ ra hiếu chiến, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lo ngại về khả năng tính toán sai lầm với Bắc Kinh, họ cảm thấy rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường giao tiếp.
"Có một sự thiếu hụt đáng lo ngại về các công cụ để quản lý sự cố trong quan hệ Mỹ - Trung. Việc chính phủ Mỹ theo đuổi các đường dây liên lạc hoạt động cho phép họ ứng phó với khủng hoảng hoặc ngăn chặn khủng hoảng là điều khá cấp thiết. Chúng ta cần phải có một đường dây điều phối", Danny Russel - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Các quan chức tại Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ vẫn đang nghiên cứu xem thiết bị sẽ hoạt động như thế nào về mặt kỹ thuật. Bước tiếp theo sẽ là phát triển khái niệm tổng thể và đưa nó vào kế hoạch của chính quyền Biden về việc can dự với Trung Quốc. Sau đó, thiết bị này sẽ cần sự chấp thuận của cả Nhà Trắng và Trung Nam Hải trước khi được triển khai.
Hiệu quả của đường dây nóng với Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào cam kết của Bắc Kinh trong việc sử dụng nó và đặt nó ở vị trí mà ông Tập có thể tiếp cận thường xuyên.
"Sẽ có lợi khi thiết lập công cụ này để liên lạc với các cấp cao Trung Quốc, nhưng chúng ta phải đảm bảo nó được kết nối với lãnh đạo một cách dễ dàng và nhanh chóng", Chris Painter, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Một Trung Quốc khó đoán
Trong những năm gần đây, Mỹ và các quốc gia khác đã không thể liên lạc với Trung Quốc trong nhiều vấn đề cấp bách. Năm ngoái, phía Washington rất khó để nhận được câu trả lời của Bắc Kinh về đại dịch COVID-19.
"Có những thách thức khi tiếp cận các quan chức Trung Quốc trong thời điểm khó khăn. Điều đó phần lớn là do cách thức hoạt động của hệ thống chính trị tại đó. Trong những ngày đầu bùng phát dịch đại dịch, chúng tôi thường không nhận được bất kỳ phản hồi nào cho các câu hỏi quan trọng", một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc tại Bắc Kinh nói.
Ý tưởng kết nối Nhà Trắng và Bắc Kinh đã được thảo luận lỏng lẻo trong nhiều năm, nhưng việc triển khai hết sức xa vời.
"Chúng tôi đã thảo luận về ý tưởng hệ thống nhắn tin với các quan chức Trung Quốc dưới thời chính quyền Obama. Nhưng chúng tôi không đạt được nhiều tiến bộ. Trung Quốc chưa có quan niệm xây dựng lòng tin như Mỹ và Liên Xô từng có trước đây", cựu quan chức Chris Painter chỉ ra.
Về tổng thể, chính quyền Biden cho biết họ có kế hoạch giữ các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc, mặc dù các cuộc gặp gỡ ban đầu giữa các nhà ngoại giao cấp cao đã diễn ra hết sức căng thẳng.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng hai nước, đã xảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt trước ống kính. Trong khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết "các ưu tiên và ý định" của Biden đã được vạch ra rõ ràng, cả hai phái đoàn đều không lên lịch các cuộc họp tiếp theo hoặc thành lập bất kỳ nhóm làm việc nào.
Khi được hỏi về một cuộc gặp trong tương lai giữa Biden và Tập, Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ chi tiết nào.
"Chính phủ Mỹ đang băn khoăn về những gì họ thực sự muốn theo đuổi và cẩn thận để không sớm lao vào cam kết toàn diện với Trung Quốc", cựu quan chức Danny Russel nhận định.
Và khi Nhà Trắng đang phát triển cách tiếp cận ngoại giao mới, một số cựu quan chức Mỹ nói rằng chỉ thiết lập một đường dây nóng mới là không đủ.
"Vấn đề trọng tâm là Bắc Kinh luôn có tâm lý thù địch, quyết liệt, vì vậy Mỹ phải tổ chức phòng thủ và phản kháng trên diện rộng. Chính quyền Biden đã nói rằng họ có kế hoạch làm điều đó. Vì vậy, mặc dù việc thiết lập một đường dây điện thoại có thể hữu ích, nhưng chúng ta không nên chìm đắm quá nhiều vào nó", theo David Feith, cựu quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Trump.