TS. BS Phạm Cao Kiêm – Phó trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, càng gần Tết, bệnh viện tiếp nhận càng nhiều các trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng nặng nề do tiêm các chất làm đẹp tại những cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo.
Bác sĩ Kiêm đang khám cho bệnh nhân gặp biến chứng do làm đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ "chui". (Ảnh: Phạm Quý) |
Trường hợp đầu tiên là một cô gái trẻ (23 tuổi) nhập viện sau khi tiêm thuốc để giảm mỡ mặt. Bệnh nhân này cho biết, với mong muốn thu gọn phần cằm, mặt, tạo hình V-line theo xu hướng giới trẻ đang ưa chuộng hiện nay, cô đã tìm đến một cơ sở làm đẹp để tiêm thuốc giảm mỡ.
Tuy nhiên, sau vài ngày tiêm một loại thuốc được quảng cáo trước đó là “an toàn tuyệt đối, làm đẹp nhanh bất ngờ”, mặt cô bắt đầu nổi các nốt u cục, chảy mủ. Quá hoảng loạn cô nhanh chóng tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ.
Tại đây, dù đã được các bác sĩ cố gắng chữa trị, nhưng khuôn mặt ban đầu của mình là điều cô khó có thể lấy lại được.
Trường hợp tiếp theo có thể kể đến là chị Đ.T.M. (một bệnh nhân đến từ Phú Thọ). Chị M. nhập viện trong tình trạng mũi biến chứng nghiêm trọng, sưng, nề, tiết dịch và đang hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.
Chị cho biết, trước đó, để làm đẹp, chị đã tìm hiểu và tìm đến một spa ở Hà Nội để tiêm filler. Sau khi tiêm filler (chất VINCI (crosslinked hyaluronic acid)) với mục đích nâng mũi cao hơn, thẳng hơn, mũi chị bắt đầu xuất hiện những biến chứng như trên. Lo lắng cho sức khỏe, chị vội vã tìm đến nhờ “trợ giúp” của các bác sĩ.
Mũi bệnh nhân gặp biến chứng nặng nề sau khi tiêm filler làm đẹp tại 1 spa. (Ảnh: Phạm Quý) |
Thông tin về các ca bệnh, BS Kiêm cho biết, hiện nay, do các loại thuốc giảm mỡ được bán tràn lan trên mạng, mua rất dễ dàng nên nhiều người bất chấp rủi ro sức khỏe mua về tiêm làm đẹp.
Nguy hiểm hơn, tại các quán làm móng, gội đầu hay cắt tóc…, các nhân viên dù không hề được đào tạo và không có bằng cấp nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn làm đẹp như xăm mày, tiêm chất làm đầy filler cho khách.
Người dân chủ quan, chủ spa lại không có tâm, nên khi thấy có biến chứng nặng chảy dịch, tắc mạch, hoại tử, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện để điều trị thì đã quá muộn.
“Những trường hợp biến chứng này chữa trị sẽ vô cùng khó khăn, bởi chất làm đầy đã xâm nhập vào mạch máu, phá huỷ tế bào.
Nhiều người nghĩ chỉ đơn giản là một mũi tiêm nhỏ, khả năng xảy ra tình huống xấu cũng sẽ “nhỏ”. Nhưng cách tiêm ra sao, tay nghề bác sĩ thế nào thì lại là một vấn đề rất lớn. Người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề”, BS Kiêm nói.
Qua tìm hiểu của PV VTC News, trước đó, trong năm 2018, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến sau khi làm đẹp tại các spa, thẩm mỹ viện “chui”, không đảm bảo an toàn.
Hầu hết, những bệnh nhân này đều chung một tâm lý do “ham rẻ” hoặc chưa có đầy đủ thông tin nên tìm đến làm đẹp tại các cơ sở không được cấp phép.
Điều này không chỉ gây ra các biến chứng nguy hiểm mà còn làm tốn kém tiền bạc như các trường hợp làm đẹp do tiêm chất làm đầy filler, điều trị sẹo lồi, các biến chứng sau khi sử dụng kem trộn để làm đẹp, các biến chứng sau khi tự điều trị nám bằng các phương pháp đồn thổi như chấm axit, đắp tỏi, đắp lá trầu không...
PGS. TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương đưa ra lời khuyến cáo đối với người dân, trước khi đi đến quyết định thẩm mỹ, làm đẹp, cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin về giấy phép, bác sĩ, bằng cấp, nguồn gốc xuất xứ các loại thuốc có chính xác không mới được đặt "niềm tin".
“Người dân nên đến các cơ sở làm đẹp uy tín, tuyệt đối không tin theo những quảng cáo trá hình, không đúng sự thật để tránh “tiền mất tật mang”.
Khi chọn sản phẩm làm đẹp, người dân cần chọn các sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn để hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”, BS Doanh nói.