Trong khi các tập đoàn bất động sản Trung Quốc và Hong Kong đang phải hứng chịu gánh nặng của đợt bán tháo, tác động từ vụ khủng hoảng Evergrande đã lan tới các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.
Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 614 điểm, tương đương 1,8% để kết thúc ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 7, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 1,7%, đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5.
Sàn giao dịch Nasdaq đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm 2,2%, trong đó 3 công ty giảm nhiều nhất đều là các công ty Trung Quốc: Pinduoduo, Baidu và JD.com.
Phoenix Kalen, chiến lược gia tại công ty tài chính Societe Generale có trụ sở tại London, cho biết những hậu quả từ sự sụp đổ trong tương lai của Evergrande có thể sẽ góp phần vào sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc, từ đó kéo theo tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến giá hàng hóa.
Cổ phiếu của Evergrande giảm thêm 10,2% vào thứ Hai tại sàn chứng khoán Hong Kong, khiến mức lỗ trong năm lên tới 84%. Chỉ số bất động sản Hang Seng giảm 6,7% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tập đoàn Evergrande có nghĩa vụ thanh toán hơn 300 tỷ USD cho các chủ nợ và các doanh nghiệp. Thời hạn trả lãi đối với trái phiếu ra nước ngoài của công ty sẽ bắt đầu vào thứ Năm tuần này.
Nhân viên an ninh lập hàng rào an ninh tại các văn phòng của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cuộc khủng hoảng này sẽ được chính phủ Trung Quốc kiềm chế trước khi nó gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư là khi nào và làm thế nào các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh xử lý tình hình và liệu họ có khởi động một cuộc tái cấu trúc Evergrande như nhiều chuyên gia thị trường mong đợi hay không.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ chấp nhận để Evergrande sụp đổ, gây thiệt hại cho các cổ đông và nhà đầu tư.
Chuyên gia Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office, nhận định: “Mọi người đều mong đợi chính phủ Trung Quốc sẽ có một số giải pháp, vì Evergrande là một công ty quan trọng về mặt hệ thống. Họ có khoản nợ 300 tỷ USD chưa thanh toán. Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc với sự vào cuộc của các công ty quốc doanh lớn."
Ông Chang cho biết chính phủ Trung Quốc cần phải hành động nhanh chóng vì Evergrande đang bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong nước và lây lan tới toàn cầu.
"Bất động sản là một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc và chiếm đến 90% tài sản của các hộ gia đình", ông Chang chỉ ra. "Nhiều người mua nhà như một khoản đầu tư, vì vậy nếu cuộc khủng hoảng này không được kiểm soát, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng."
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu Trung Quốc gặp phải một vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì China Evergrande, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng.
“Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", Louis Tse, giám đốc điều hành của Wealthy Securities, một công ty môi giới có trụ sở tại Hong Kong, cho biết.
Các công ty bất động sản Trung Quốc đang phải chịu áp lực trả nợ đáng kể đối với trái phiếu bằng USD, trong khi thị trường tài chính lo lắng rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các tập đoàn bất động sản cắt giảm chi phí nhà ở
"Điều đó cũng ảnh hưởng đến các ngân hàng - nếu bạn có giá bất động sản thấp hơn, điều gì sẽ xảy ra với các khoản thế chấp của họ?", ông Tse nói. "Nó sẽ là một phản ứng dây chuyền."
Tuy nhiên, ông Ming Tan - giám đốc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s chuyên theo dõi các ngân hàng Trung Quốc, cho biết việc Evergrande vỡ nợ khó có thể gây ra khủng hoảng tín dụng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Mức độ liên quan giữa Evergrande và các ngân hàng Trung Quốc khá phân tán so với toàn bộ hệ thống. Hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ chỉ gặp rủi ro thực sự khi các công ty bất động sản lớn khác đồng thời vỡ nợ”, ông Tan chỉ ra.