Đang triển khai đồng loạt 4 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang, chia sẻ với DĐDN, một DN xin được giấu tên cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng đang được đánh giá là phân khúc phát triển tốt, cơ hội sinh lời cao hơn so với các phân khúc truyền thống trước đây.
Không nên siết
DN này dẫn chứng, so với các khu du lịch trong khu vực như Bali, ChiengMai, tỷ lệ biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn tại các khu du lịch tại Việt Nam còn thấp trong khi tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất lớn.
“Siết vốn chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, các DN phát triển dự án BĐS mà trên thực tế có thể tác động bất lợi đến người tiêu dùng. Do vậy thay vì siết tín dụng nhà nước cần có chính sách để tạo điều kiện cho DN để có thể đuổi kịp các nước xung quanh” – DN này khẳng định.
Ở khía cạnh khác, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEN Group lo lắng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ gặp khó và có khả năng tăng giá trong thời gian tới nếu có biến động về chính sách tín dụng. Bên cạnh đó, bất động sản nghỉ dưỡng là loại hình có vốn hóa rất lớn và ảnh hưởng tới rất nhiều ngành nghề khác như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí phân tích: “Hiện Việt Nam đón khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế/năm. Nếu muốn đón 10 triệu lượt khách hoặc 40 triệu lượt khách như Thái Lan, Singapore, Malaysia thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cần được quan tâm đầu tư để đáp ứng những vấn đề trên. Trong khi đó năng lực tài chính của nhà đầu tư nội có hạn nếu siết quá chặt tín dụng sẽ làm cho lĩnh vực này khó phát triển”.
Tuy vậy, chuyên gia Nguyễn Hữu Trí cũng thừa nhận bên cạnh chủ đầu tư tâm huyết thì cũng có nhiều nhà đầu tư quá yếu hoặc chiếm dự án để chờ thời để sang nhượng… việc này cũng làm cho dự án “chết” hoặc nợ xấu.
“Cơ quan quản lý cần chọn lọc thẩm định kỹ năng lực nhà đầu tư, kiểm soát chặt dòng tiền tín dụng đầu tư vào dự án. Tín dụng cần trở thành đòn bẩy tài chính, thành điều kiện thuận lợi cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển” - chuyên gia Nguyễn Hữu Trí cho biết.
Dự án Cocobay Đà Nẵng đang thu hút nhiều khách hàng |
Vì coi chừng tác động ngược
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên tiếp phát đi cảnh báo thì tín dụng BĐS đang có dấu hiệu chững lại và BĐS nghỉ dưỡng cũng không phải ngoại lệ.
Báo cáo của CBRE cho thấy, lượng BĐS cung ra thị trường trong quý III/2016 sút giảm cả ở TP HCM và Hà Nội. Tính đến ngày 31/8/2016, tín dụng BĐS tăng 6,73%, chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành (gần 10%) và chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS của cùng kỳ năm ngoái (13,06%).
Tuy vậy, báo cáo mới nhất của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Savills lại đi ngược “lo lắng” của các DN. Theo đó, bộ phận này nhận định, thị trường BĐS Việt Nam ở hầu hết các phân khúc đều có sự hồi phục mạnh mẽ, đáng chú ý nhất là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
“Chúng tôi lạc quan về triển vọng thị trường BĐS nghỉ dưỡng khi nhìn thấy đà tăng trưởng trong năm 2016. Việt Nam hiện là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Trong khi các nước như Indonesia và Philippines đang ở trên đỉnh của chu kỳ BĐS, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn hồi phục trong vòng 12 tháng qua. Hơn bao giờ hết, các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều quan tâm đối với thị trường BĐS Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay cũng như các năm kế tiếp”, ông Neil MacGregor – TGĐ Savills Việt Nam khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, cảnh báo của NHNN là cần thiết bởi nếu các ngân hàng tiếp tục rót vốn vào phân khúc nghỉ dưỡng không xuất phát từ nhu cầu thực thì thị trường sẽ bất ổn.
Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh: ”Thông điệp mà cơ quan quản lý đưa ra cảnh báo cần phải rõ ràng, thận trọng, tránh tạo ra tâm lý “siết” chung với toàn thị trường BĐS, gây lo ngại cho nhà đầu tư”.
Hiện nay, khoảng 70% tài sản đảm bảo của tín dụng ngân hàng (ước hơn 5 triệu tỷ đồng) nằm ở BĐS. Chỉ nhờ thị trường BĐS phục hồi, chúng ta mới có thể xử lý nợ xấu, tăng trưởng kinh tế.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp