Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngành Bảo hiểm Việt Nam đang bước vào giai đoạn hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP của Việt Nam đạt 3%, với khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Những con số này nói lên tiềm năng của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất lớn để phát triển. Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng này, việc chuyển đổi số là yếu tố then chốt, góp phần giúp ngành Bảo hiểm nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của khách hàng, mang lại trải nghiệm tốt và nhiều tiện ích hơn trong kỷ nguyên số.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính chia sẻ: Hai năm vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có sự suy giảm; đến 6 tháng đầu năm 2024 đã có sự phục hồi tạm ổn. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và kết nối internet.
“Tuy nhiên, dù đã có những bước tiến mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, ngành Bảo hiểm vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chuyển đổi số. Đó là quá trình chuyển đổi mô hình quản trị, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ cũng như phòng ngừa rủi ro tài chính, an ninh mạng và bảo vệ thông tin khách hàng. Vậy nên các doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với nguồn lực và tạo ra giá trị, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm”, ông Trung cho biết.
Chia sẻ về tổng quan thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, theo ông Ken Lau, Chuyên gia phân tích trưởng tại Việt Nam, Công ty Ambest, qua các đánh giá thực tế, Ambest dự báo Việt Nam là thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ổn định. Các yếu tố tích cực liên quan bảo hiểm phi nhân thọ là nhờ sau khoảng thời gian tăng trưởng thấp trước đây, thị trường trong nước cải thiện nhiều, trong đó có thu hút được nguồn đầu tư từ nước ngoài. Từ đây, mở ra kỳ vọng tăng trưởng ở các lĩnh vực, trong đó có bảo hiểm tài sản và sức khỏe; bảo hiểm thương mại...
Ông Amitabh Singh, Giám đốc Kinh doanh, Bảo hiểm Khu vực châu Âu, Trung Đông-châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương, Perfios International chia sẻ về hai ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi khách hàng là PIVC (đang được Manulife Việt Nam sử dụng) và ACCLAIM. Hai ứng dụng AI này hiện đang giải quyết rất nhiều vấn đề trong ngành bảo hiểm ở một số quốc gia. Cụ thể, ACCLAIM sử dụng video call để nhận diện khuôn mặt, hạn chế được gian lận, lạm dụng trong việc sử dụng bảo hiểm; đồng thời, giảm chi phí làm hồ sơ vì đã có các dữ liệu trên hệ thống. Trong khi đó, PIVC có thể kiểm soát chắc chắn các cử động, nhận dạng con người, tránh việc sử dụng ảnh tĩnh trong giao dịch bảo hiểm. Công nghệ này phát hiện 90% đường nét làm giả, 96% người dùng Việt Nam hài lòng, 99% sử dụng quy trình tăng mức độ lòng tin của khách hàng nhiều hơn, giúp khách hàng tiếp cận với nhiều tiện ích, giải quyết các vấn đề một cách nhanh gọn. Tuy nhiên, theo ông Amitabh Singh, hiện nay, con người cũng ngại thay đổi, dẫu tiến trình công nghệ phát triển thì việc tiếp cận công nghệ vẫn còn chậm, mặc khác vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và ngành Bảo hiểm cần phối hợp nhiều và kỹ lưỡng hơn nữa trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn FPT IS cho biết, sau 35 năm đồng hành cùng nền công nghệ thông tin Việt Nam nói chung và bảo hiểm nói riêng, công ty đã có nhiều sản phẩm công nghệ số được đưa vào sử dụng, nhất là ở thời điểm làn sóng thứ 3 của kỷ nguyên AI. Hiện nay, ngành Bảo hiểm đang hướng đến sử dụng AI nhằm tạo năng suất, hiệu quả và chất lượng cho khách hàng. FPT đã thực các giải pháp, công nghệ kết nối các dữ liệu với bệnh viện… Chính nguồn thông tin này là dữ liệu để ngành Bảo hiểm khai thác hóa đơn bảo hiểm thẳng với bệnh viện, giúp kiểm soát tình trạng trùng lặp hóa đơn.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 30 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 951 nghìn tỷ đồng, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795 nghìn tỷ đồng, tăng 9,29%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109 nghìn tỷ đồng, giảm 3,78%.