Tham quan bảo tàng bằng thực tế ảo
Vừa qua, Google Arts and Culture chính thức giới thiệu các chuyến tham quan ảo miễn phí tới hơn 2.500 bảo tàng, phòng trưng bày và nhà hát opera trên thế giới. Người xem trên toàn thế giới có thể truy cập miễn phí các địa điểm nghệ thuật này tại nhà thông qua kết nối internet hoặc wifi.
Dù ngồi ở nhà, bất cứ ai cũng có thể tự do tham quan những bảo tàng danh tiếng thế giới, như Bảo tàng Tate Morden, British Museum của Anh; Bảo tàng Van Gogh, Rijksmuseum tại Amsterdam của Hà Lan; Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Museum of Modern Art ở New York, Bảo tàng Whitney và Metropolitan của Mỹ; Bảo tàng Hermitage ở thành phố Saint Petersburg (Nga); Bảo tàng Nghệ thuật Hong Kong (Trung Quốc)...
Xu hướng số hóa các viện bảo tàng được thực hiện từ cách đây nhiều năm giờ đang phát huy tối đa hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Công nghệ thực tế ảo cho phép các bảo tàng vẫn có thể "mở cửa", thực hiện thành công những buổi triển lãm trực tuyến hấp dẫn và sống động. Tại Pháp, 14 bảo tàng của thành phố Paris dùng công nghệ số để giới thiệu với công chúng hơn 320.000 tác phẩm đủ loại với màu sắc rõ nét thông qua một cổng thông tin chung...
Việc sử dụng công nghệ số đưa hình ảnh, thông tin về những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của các bảo tàng danh tiếng thông qua các cuộc triển lãm trực tuyến cho thấy sự thích ứng của nhiều tổ chức nghệ thuật quốc tế trước bối cảnh nhiều quốc gia đang thực hiện cách ly xã hội. Việc này đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người trên khắp thế giới. Nó không chỉ cung cấp thêm một kênh giải trí mà còn khiến nhiều người được thỏa mãn sở thích du lịch dù đang ngồi ở nhà tránh đại dịch. Đây cũng được xem là giải pháp của những đơn vị nghệ thuật thế giới trước khó khăn chung.
Du lịch qua màn hình
Dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu cũng trở thành "phép thử" cho ngành Du lịch thế giới. Nhiều quốc gia có các lễ hội văn hóa, du lịch lớn thay vì tổ chức theo hình thức truyền thống đã triển khai hoạt động du lịch online, giúp người dân và du khách vẫn có thể tham quan, trải nghiệm thông qua các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng.
Nhiều quốc gia đã tổ chức các lễ hội hoa anh đào bằng hình thức online để tránh tụ tập đông người. |
Tháng 4, lễ hội hoa anh đào là sự kiện du lịch hấp dẫn tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tuy nhiên, thời điểm này, tất cả hoạt động du lịch đều tạm dừng, người dân các nước được yêu cầu cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Năm ngoái, lễ hội hoa anh đào hồ Seokchon thuộc quận Songpa, Hàn Quốc, thu hút 5 triệu lượt người. Năm nay, lễ hội hoàn toàn vắng vẻ. Nhằm truyền tải hình ảnh tuyệt đẹp của hoa anh đào cũng như giúp du khách tránh được những hụt hẫng khi không được trực tiếp ngắm hoa anh đào do đại dịch Covid-19, chính quyền quận Songpa đã ghi hình toàn bộ khung cảnh hoa anh đào bằng flycam, giúp người dân có thể ngắm hoa trực tuyến tại nhà. Dù đây là giải pháp tình thế nhưng cũng đủ giúp người dân Songpa, Hàn Quốc hài lòng.
Tại Mỹ và Nhật Bản, chính quyền các nước cũng kêu gọi người dân ở nhà ngắm hoa qua hệ thống camera 24/7, tránh tụ tập đông người. Mỹ đưa ra gợi ý hướng dẫn người dân tránh xa đám đông bằng cách ở nhà và ngắm hoa thông qua trang web do công viên quốc gia cung cấp. Hệ thống này có tên gọi bloomcam, gồm các camera được trang bị khắp nơi trong vườn hoa. Chế độ xem trực tiếp cho phép du khách ngắm hoa bất cứ khi nào mình muốn. Du khách có thể thoải mái ngắm hoa anh đào từ hồ Tidal Basin - nơi quy tụ hơn 3.000 gốc hoa anh đào và là điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng nhất ở thủ đô nước Mỹ.
Hiện nay, xu hướng du lịch online đang trở thành giải pháp mà nhiều quốc gia, tổ chức du lịch hướng đến. Các trang web du lịch nổi tiếng, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor... tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá thế giới của du khách. Các giải thưởng du lịch online bắt đầu xuất hiện như một sự khuyến khích các điểm đến tăng cường hoạt động quảng bá online, đồng thời giúp du khách có thêm những kênh khám phá mới khi đang thực hiện cách ly xã hội.