NYT dẫn nghiên cứu do tổ chức khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên tạp chí Nature hôm 29/10 cho biết, hiện tượng nước biển dâng sẽ xoá sổ nhiều thành phố lớn ven biển vào năm 2050, khiến số dân cư bị ảnh hưởng tăng lên tới 150 triệu người, gấp 3 lần so với dự đoán trước đây.
Miền Nam Việt Nam cũng là một trong các khu vực có nguy cơ "biến mất".
"Hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số sẽ phải sống trong cảnh ngập lụt", NYT viết.
Các nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo báo động này dựa trên tính toán các dữ liệu vệ tinh và ước tính tác động của nước biển dâng trên các khu vực rộng lớn.
Tại Thái Lan, hơn 10% dân số đang sống trong các khu vực có khả năng bị ngập lụt vào năm 2050, gấp 10 lần so với ước tính trước đây. Thủ đô Bangkok nằm trong vùng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Ở Thượng Hải, nước biển dâng cũng có nguy cơ nhấn chìm thành phố này và các thành phố lân cận. Các dữ liệu mới cho thấy 110 triệu người đã và đang sống ở những nơi nằm ở đỉnh triều.
Theo ông Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành Climate Central, các thành phố đang phải đầu tư rất nhiều vào việc bảo vệ bờ biển, xây dựng đê biển và tường bao. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải là giải pháp lâu dài.
Ông lấy ví dụ về trường hợp của New Orleans. Thành phố Mỹ có hệ thống đê biển và các cấu trúc bảo vệ tưởng như kiên cố nhưng đã không thể chống chọi trong siêu bão Katrina khiến cả New Orleans chìm dưới nước.
Kết quả nghiên cứu cũ và mới về mức độ nước biển ảnh hưởng tới miền Nam Việt Nam. (Ảnh: NTY) Nhập mô tả ảnh |
Bà Dina Ionesco, thành viên của tổ chức International Organization for Migration cho rằng nghiên cứu này đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo để các khu vực nằm trong vùng báo động chuẩn bị các biện pháp đối phó như di dân.
"Chúng tôi đã cố gắng gióng hồi chuông cảnh báo. Chúng tôi biết điều này sắp xảy đến", bà Ionesco nói, cảnh báo nhân loại có thể sẽ phải đối mặt với đợt di cư quy mô chưa từng có.