Trước đây, trong chiến tranh Triều Tiên có khoảng 4.000 người dân nghèo đến đây tị nạn và dựng lên khoảng 800 căn nhà bằng gỗ lụp xụp dọc theo sườn đồi. Sau chiến tranh, người dân nơi đây cải tạo xây lên thành những ngôi nhà bê tông và cư trú từ đó đến nay.
Tuy nhiên Gamcheon vẫn nghèo, đến năm 2009, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã phát động một dự án để phát triển ngôi làng thành một cộng đồng sáng tạo. Các đường phố được trang trí bằng những hình vẽ graffiti và những ngôi nhà trở thành các tác phẩm nghệ thuật và phòng trưng bày.
Khi tới ngôi làng, bạn sẽ được chào đón bởi các bảng hướng dẫn mang đậm chất nghệ thuật. Và bạn phải mất từ 3-4 tiếng để có thể khám phá hết các ngõ ngách của ngôi làng. Nếu đã đến Gamcheon, bạn đừng bỏ lỡ thử thách sưu tầm đủ 8 con tem được đặt ở các điểm trong khắp ngôi làng.
Trái ngược với các toà nhà cao chọc trời, cuộc sống nhộn nhịp, nền ẩm thực đặc trưng và bãi biển quyến rũ ở thành phố nghỉ mát Busan, làng Gamcheon yên tĩnh như níu chân lữ khách với các tác phẩm nghệ thuật được vẽ bằng sơn nước trước mặt tiền nhà hay những tác phẩm điêu khắc kỳ lạ được trưng bày khắp làng.
Bạn có thể quan sát Gamcheon từ trên cao tại “Sky Garden” - nơi đặt phòng triển lãm thông tin du lịch liên quan đến ngôi làng.
Đến Gamcheon, du khách sẽ đi hết từ ngạc nhiên này đến thú vị khác. Tuy nhiên, du khách luôn được lưu ý không tách đoàn để không lạc vào những “mê cung” đường làng quanh co bởi trong mỗi con hẻm lại có ba - bốn hẻm nhỏ kết nối với các hẻm khác. Lời khuyên của người dân địa phương trong trường hợp đi lạc là hãy nhìn theo hướng đàn cá đang “bơi” trên vách tường hai bên đường đi.
Theo CNN, ngôi làng có nhiều sắc màu tươi tắn này đã tạo cảm hứng cho du khách, họ đặt các tên gọi khác như "thánh địa Machu Picchu của Hàn Quốc" (so sánh với Machu Picchu ở Peru) hay "đảo Santorini của Hàn Quốc" (so sánh với đảo Santorini ở Hi Lạp)...
Và có lẽ chính những điều độc đáo từ “làng nghệ thuật” Gamcheon đã làm Hãng tin CNN đặt tựa đề cho bài viết này là “Gamcheon - thị trấn nghệ thuật nhất châu Á”?