Hành tinh mang tên KOI-5Ab được phát hiện năm 2009 bởi kính viễn vọng không gian Hubble của NASA nhưng bị các nhà khoa học "quên lãng" do có nhiều ngoại hành tinh dễ nhận dạng hơn. "KOI-5Ab bị bỏ quên bởi hệ sao này rất phức tạp và chúng tôi có hàng nghìn ứng viên", David Ciardi, nhà khoa học ở Viện khoa học Ngoại hành tinh của NASA, cho biết. "Có những lựa chọn dễ hơn KOI-5Ab và chúng tôi có phát hiện mới từ Kepler mỗi ngày, do đó KOI-5Ab gần như bị lãng quên".
KOI-5Ab ở cách Trái Đất khoảng 1.800 năm ánh sáng. Tuy nhiên, nhờ Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA và nhiều kính viễn vọng trên Trái Đất khác, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện quỹ đạo của KOA-5Ab. Dựa theo kích thước, KOA-5Ab nhiều khả năng là một hành tinh khí khổng lồ tương tự sao Mộc và sao Thổ, nhưng quay quanh ngôi sao trong hệ, KOA-5A, theo chu kỳ 5 ngày.
"Chúng tôi không biết nhiều về các hành tinh tồn tại trong hệ 3 sao và hành tinh này vô cùng đặc biệt bởi quỹ đạo của nó bị lệch", Ciardi chia sẻ. "Chúng tôi vẫn còn nhiều câu hỏi về quá trình và thời điểm những hành tinh hình thành trong hệ nhiều sao và đặc điểm của chúng so với hành tinh trong hệ một sao. Bằng cách nghiên cứu chi tiết hệ sao này, chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về cách vũ trụ tạo ra hành tinh".
Trong hệ, ngôi sao KOI-5A quay quanh KOI-5B theo chu kỳ 30 năm. KOI-5C quay quanh hai hành tinh còn lại trong vòng 400. Cả 4 thiên thể trong hệ có quỹ đạo lệch do nằm ở những mặt phẳng khác nhau. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn tới quỹ đạo lệch này. Họ cho rằng lực hấp dẫn của ngôi sao thứ hai làm lệch quỹ đạo của hành tinh, khiến nó nhích dần vào phía trong hệ. Các hệ 3 sao chiếm khoảng 10% tổng số hệ sao trong vũ trụ. Phát hiện được công bố trong cuộc họp gần đây của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ.