Lợi nhuận có vẻ không khả quan cho Fernando và các thuyền viên, cùng với hàng chục tàu đánh cá của Sri Lanka. Mỗi người chỉ mang về nhà 40.000 rupee Sri Lanka (gần 3 triệu đồng) sau chuyến đi dài ngày trên biển.
"Khoản tiền này không đủ để gia đình chúng tôi trang trải các chi phí”, Fernando, 44 tuổi, vừa nói vừa ghi nguệch ngoạc các con số.
Quốc đảo 22 triệu dân ở cực nam của Ấn Độ đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chính sách quản lý ngân sách sai lầm cùng quyết định cắt giảm thuế không đúng lúc, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối.
Tuần trước, ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết họ đang tạm ngừng trả một số khoản nợ nước ngoài trong khi chờ cơ cấu lại.
Tại thủ đô thương mại Colombo, những người biểu tình đổ ra đường đòi phế truất Tổng thống Gotabaya Rajapaksa khi người dân đối mặt với tình trạng lạm phát, mất điện và thiếu thốn nhu yếu phẩm.
Ở cảng Negombo, những ngư dân cũng phải vật lộn để giữ cuộc sống không chìm trong nợ nần.
Đánh cá chỉ chiếm 1,3% nền kinh tế của Sri Lanka, nhưng lại là nguồn sinh kế của 1/10 dân số nước này. Quốc đảo này chuyên xuất khẩu cá ngừ, cá kiếm, cua, tôm hùm và tôm sú sang hàng chục quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nhật Bản, chiếm 8% xuất khẩu nông sản của quốc gia này.
Một số ngư dân cho biết họ đã không còn đủ tiền mua lương thực, nhiều người không còn đủ khả năng trả nợ và mua xăng dầu cho tàu thuyền.
Mỗi chuyến đi đối với tàu đánh cá St. Anne 2 của ngư dân Fernando cần ít nhất 1.000 lít dầu diesel và vài trăm kg đá lạnh.
Nhiều ngư dân Sri Lanka không còn đủ khả năng mua xăng để duy trì tàu đánh cá. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi phải đứng xếp hàng hàng giờ đồng hồ để lấy nhiên liệu mà không chắc mình có nhận đủ hay không. Nước đá, mồi, lưới, mọi thứ chúng tôi cần đều tăng giá", Fernando nói. "Nhiều tàu đã ngừng ra khơi hoàn toàn vì không có nhiên liệu."
Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cho biết ưu tiên hàng đầu của chính phủ là khôi phục các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu. Vị này khẳng định một phần của khoản viện trợ mà Sri Lanka vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ dành cho các ngư dân.
Herman Kumara, người đứng đầu Phong trào Đoàn kết Nghề cá Quốc gia, đại diện cho khoảng 9.000 ngư dân, cho biết: “Ngư dân không biết họ sẽ kiếm đâu ra nhiên liệu hay tiền đâu để mua lương thực. Họ chỉ muốn sống qua ngày."
Cũng theo ông Kumara, cuộc khủng hoảng đã khiến ít nhất một nửa đội tàu đánh cá của khu vực bị ảnh hưởng, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng trong 3-6 tháng tới.
Mary Dilani cho biết cô kiếm được 1.500 rupee mỗi ngày bằng việc phơi cá ở một bãi biển gần đó, trong khi chồng cô G.K. Chaminda, người đã vay 100.000 rupee cách đây 3 năm cho một chiếc thuyền chèo nhỏ và hiện đang phải vật lộn để trả khoản vay, kiếm được 2.000 rupee.
"Chúng tôi không còn đủ tiền để đun nấu bằng khí đốt nữa", Dilani nói trong căn nhà nhỏ ở Negombo. "Tôi đã chuyển sang dùng bếp dầu hỏa, nhưng đôi khi chúng tôi không thể tìm thấy dầu hỏa."
Nỗi lo lớn nhất của gia đình Dilani là tìm 4.000 rupee mua sách giáo khoa cho con gái sắp khai giảng năm học mới.
"Cuộc sống đã trở nên rất khó khăn", Dilani nói.