Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí ScienceDirect ngày 6/1, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Binghamton, bang New York, đã so sánh thời gian và độ dài giấc ngủ ở các cá nhân có những suy nghĩ tiêu cực, như lo lắng và hay suy nghĩ, ở mức độ trung bình hoặc cao.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người thường có giấc ngủ bị gián đoạn gặp khó khăn trong việc chuyển hướng sự tập trung của mình khỏi những thông tin tiêu cực. Điều này đồng nghĩa một giấc ngủ không đủ giờ có thể dẫn đến những suy nghĩ bi quan, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến con người dễ mắc các chứng rối loạn tâm lý, như lo lắng hay chán nản, suy sụp tinh thần.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tích cực xem xét về mối liên hệ giữa sự gián đoạn trong giấc ngủ và những tác động đối với các quá trình cơ bản giúp con người vượt qua những suy nghĩ bi quan. Họ hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp tìm ra một giải pháp giúp những bệnh nhân thường xuyên có giấc ngủ kém chất lượng có thể giải tỏa được những lo lắng và tâm trạng mệt mỏi.
Tổng hợp